Kết nối khu vực FDI với kinh tế trong nước: Điều kiện thực chất và bền vững
Việc kết nối khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với khu vực kinh tế trong nước nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các đánh giá của chuyên gia kinh tế đều cho rằng, FDI ít có tác động lan tỏa hay nói cách khác mức độ kết nối chưa cao, hay trong nền kinh tế đang tồn tại đồng thời hai khu vực có tính tách biệt rất lớn là khu vực FDI và khu vực kinh tế còn lại. Để kết nối hiệu quả hai khu vực này, cần có các điều kiện nhất định.
Vai trò và điều kiện kết nối
Việc kết nối khu vực FDI với phần còn lại của nền kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên. Khu vực FDI có tính cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu nên tất cả nguồn lực huy động sẽ được sàng lọc khách quan và khắt khe nhất. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn lực giá rẻ trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên, ưu đãi chính sách được khai thác để thu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc khai thác triệt để cơ hội thị trường trong nước và thị trường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với thị trường nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại tự do được ký kết, mở rộng thị trường đến mức cao nhất, tạo khả năng sinh lợi lớn đối với khu vực FDI. Do đó, động lực thu hút FDI ngày càng lớn.
Đối với khu vực kinh tế trong nước, việc kết nối với khu vực FDI sẽ tiếp nhận được vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiến tiến, thương hiệu mạnh và mạng lưới kinh doanh mở rộng trên toàn cầu. Đây là cách thức để khu vực kinh tế trong nước nhanh chóng cải thiện trình độ để bắt kịp với trình độ phát triển của khu vực FDI.
Vì vậy, điều kiện kết nối cần thực chất và bền vững, phù hợp mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài phản ánh các bên có tầm nhìn và nhận thức thống nhất về viễn cảnh phát triển: Phù hợp cơ cấu tổ chức và phương thức vận hành như tổ chức gọn nhẹ, tinh xảo, chi phí thấp, hiệu quả và năng suất cao, minh bạch, hiện đại; Phù hợp tài sản chiến lược như bảo vệ được thương hiệu, danh tiếng, bí quyết, khối khách hàng, nhà cung ứng, các loại tài sản hữu hình và vô hình khác; Phù hợp nhân sự lãnh đạo, nguồn nhân lực và trình độ phát triển của các bên như mô hình quản lý, trình độ đổi mới sáng tạo, công nghệ, tiếp cận thị trường; Phù hợp chính sách của chính phủ đặc biệt quy định pháp luật, tận dụng ưu đãi và phương thức tiếp nhận sáng tạo quyết định chính quyền trung ương và địa phương.
Nhiều hạn chế
FDI vào Việt Nam trong năm 2017 đạt con số kỷ lục về đăng ký khoảng 36 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016, trong đó vốn thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Nếu tính lũy kế, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 330 tỷ USD và vốn thực hiện đạt trên 160 tỷ USD. FDI chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Trong 7 tháng đầu năm 2018, dòng FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, các đánh giá của chuyên gia kinh tế đều cho rằng, FDI ít có tác động lan tỏa hay nói cách khác mức độ kết nối chưa cao, hay trong nền kinh tế đang tồn tại đồng thời hai khu vực có tính tách biệt rất lớn là khu vực FDI và khu vực kinh tế còn lại.
Pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh liên tục và tạo khả năng kết nối rất cao giữa các chủ thể. Các điều kiện tiếp cận của nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất thuận lợi và dễ dàng thông qua phương thức xúc tiến đầu tư, hình thành khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Cơ hội đế kết nối rất lớn và đây là điều kiện cần. Vấn đề để kết nối hiệu quả là điều kiện đủ.
Thực tế các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước cho thấy khả năng sản xuất “ốc vít và giắc cắm” điện thoại thông minh của tập đoàn Samsung của các doanh nghiệp trong nước rất thấp nếu chưa nói là không thể. Đây là bằng chứng cho thấy điều kiện tiến bộ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa đủ đáp ứng đòi hỏi chuỗi sản xuất và lắp ráp công nghệ cao của tập đoàn.
Mức độ kết nối có thể xem xét trực tiếp thông qua lựa chọn hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng kết nối theo chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI để sáng tạo giá trị.
Xét về hình thức đầu tư, liên doanh là phương tiện hiệu quả nhất để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trình độ cao song tỷ trọng của hình thức này ngày càng giảm.
Điều này cho thấy, sự kết nối khu vực FDI với phần còn lại của nền kinh tế ngày càng có xu hướng giảm, sự tách biệt của khu vực FDI ngày một tăng. Mức độ lan tỏa của khu vực FDI bị hạn chế dẫn đến tình trạng không tận dụng hiệu quả động lực thúc đẩy của nó đối với sự phát triển kinh tế nội địa.
Ngoài ra, có thể thấy các điều kiện kết nối khác cũng khá hạn chế như trình độ nguồn nhân lực, nhận thức về sự kết nối để bảo đảm sự sống còn trong cạnh tranh còn thấp, kỹ thuật kết nối chưa được nghiên cứu và vận dụng phù hợp.
Hơn nữa, văn hóa kết nối, hệ thống thông tin, đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế để đạt sự kết nối hiệu quả chưa được quan tâm thỏa đáng. Điều này cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài không coi trọng sự kết nối hay thậm chí đóng cửa đối với sự tham gia của bên Việt Nam trong chuỗi giá trị của họ.
Trong 10 năm đầu thu hút FDI, tỷ trọng hình thức doanh nghiệp liên doanh trong tổng số các hình thức đầu tư chiếm khoảng 70%, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, đến hết năm 2004, tỷ trọng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 39,9%, liên doanh là 40,6% và hợp doanh là 19,5%.
Tính đến tháng 12.2017, chủ yếu các dự án FDI đang hoạt động là theo hình thức 100% vốn nước ngoài, có 20.719 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 231,2 tỷ USD, chiếm 83,72% về số dự án và 72,54% tổng vốn đăng ký. Theo hình thức liên doanh có 3.775 dự án với tổng vốn đăng ký gần 68,31 tỷ USD, chiếm gần 15,25% về số dự án và 21,43% tổng vốn đăng ký. Số còn lại thuộc các hình thức khác như hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh, BOT, BT, BTO với số dự án chiếm khoảng 1% và tổng số vốn đăng ký khoảng 6%.