Kho bạc Nhà nước Hà Nam:
Kết quả bước đầu từ việc thí điểm quy trình nghiệp vụ liên thông thanh toán liên ngân hàng tập trung
Sau việc thí điểm thành công quy trình liên thông DVC – TABMIS – Thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT), làm cơ sở cho việc triển khai diện rộng toàn quốc từ tháng 11/2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nam đã vinh dự được KBNN giao nhiệm vụ kiểm thử và triển khai thí điểm quy trình liên thông DVC – TABMIS – Thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) tập trung. Kết quả bước đầu cho thấy, quy trình liên thông đã giúp giảm được rất nhiều lao động thủ công và thời gian xử lý quy trình của cán bộ nghiệp vụ so với trước đây, đặc biệt là tại cơ quan KBNN tỉnh.
Quy trình liên thông DVC- TABMIS -TTLNH là sự tích hợp, liên thông giữa các quy trình nghiệp vụ với chương trình dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về cải cách, hiện địa hóa KBNN, cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động của hệ thống KBNN, với mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng, thuận tiện cho người sử dụng, các đơn vị giao dịch và KBNN.
Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên dịch vụ công để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại (NHTM), sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, Kế toán trưởng và Lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình DVCTT, thì chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, TTSPĐT và tự động chuyển sang NHTM mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.
Thực hiện kế hoạch của Kho bạc Nhà nước (KBNN) năm 2022 về việc triển khai quy trình liên thông Dịch vụ Công (DVC) - TABMIS - Thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) theo mô hình mô hình tập trung, trên cơ sở Công văn số 1853/KBNN-CNTT ngày 22/4/2022 của KBNN về việc triển khai thí điểm TTLNH theo mô hình tập trung, KBNN Hà Nam đã triển khai quy trình và ứng dụng liên thông DVC- TABMIS -TTLNH tại cơ quan KBNN tỉnh và KBNN Lý Nhân.
Bên cạnh đặc điểm liên thông các chứng từ DVC đi thanh toán qua kênh TTLNH, Hệ thống có nhiều điểm mới về quy trình, ứng dụng. Đó là việc tích hợp cả 2 kênh TTSPĐT và TTLNH vào một hệ thống ứng dụng tập trung (gọi là ứng dụng thanh toán điện tử-ngân hàng được KBNN xây dựng, phát triển trên nền tảng ứng dụng TTSPĐT đang vận hành); không còn ứng dụng CITAD và Chương trình giao diện liên ngân hàng trước đây tại KBNN tỉnh.
Đây cũng là lần đầu tiên 1 Kho bạc Huyện tham gia kênh TTLNH theo quy trình thanh toán điện tử-ngân hàng tập trung. KBNN sẽ làm đầu mối đối chiếu chung với NHNN cho các thành viên, đơn vị thành viên tham gia hệ thống mới. Các đơn vị thành viên tham gia TTLNH tại tỉnh (cơ quan KBNN tỉnh Hà Nam và KBNN Lý Nhân – Hà Nam) sẽ chỉ đối chiếu với KBNN. Trong khi đó, các nguyên tắc về hạch toán kế toán và quyết toán TTLNH cơ bản không thay đổi so với quy trình TTLNH đang áp dụng trên toàn quốc.
Theo báo cáo từ KBNN Hà Nam, do các đặc điểm phức tạp về quy trình ứng dụng như trên, việc kiểm thử và nhất là triển khai thí điểm quy trình nghiệp vụ ứng dụng thanh toán điện tử-ngân hàng từ ngày 04/5/2022 gặp khá nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, nỗ lực, tập thể cán bộ Lãnh đạo, công chức cơ quan KBNN Hà Nam, KBNN Lý Nhân đã xác định quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được KBNN giao.
Cụ thể, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật của KBNN (Cục Kế toán Nhà nước, Cục Công nghệ thông tin) đã luôn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với KBNN Hà Nam, cùng nhau nỗ lực vượt khó; không quản ngại khó khăn, đi làm trong cả những ngày nghỉ lễ 30/4 để làm tốt công tác chuẩn bị, rà soát. Những ngày đầu triển khai thí điểm, đội ngũ cán bộ Trung ương và địa phương thường xuyên phải làm việc rất khuya để xử lý, khắc phục kịp thời lỗi cũng như kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, ứng dụng của hệ thống mới.
Đến nay, việc vận hành hệ thống ứng dụng mới đã dần đi vào ổn định, các yêu cầu về quy trình liên thông cũng như kết quả đối chiếu, quyết toán…cho cả 2 kênh TTLNH và TTSPĐT trên ứng dụng thanh toán điện tử-ngân hàng nhìn chung đã được thực hiện đúng theo bài toán nghiệp vụ; đảm bảo an toàn tiền, tài sản. Các lỗi đã giảm đáng kể cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.
Quy trình liên thông TTLNH bước đầu được vận hành thành công đã giảm được rất nhiều lao động thủ công và thời gian xử lý quy trình của cán bộ nghiệp vụ so với trước đây, đặc biệt là tại cơ quan KBNN tỉnh với lượng chứng từ lớn và hầu hết lại đi kênh TTLNH. Đối với KBNN Huyện, việc thêm kênh thanh toán mới cũng giúp KBNN Huyện có nhiều lựa chọn và thuận tiện hơn trong công tác thanh toán với ngân hàng cũng như tập trung kịp thời các khoản thu NSNN.