Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) góp phần thúc đẩy các hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế nói chung và trong hệ thống KBNN nói riêng, đặc biệt là trong thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), tạo thuận lợi hơn cho người dân và các đơn vị có giao dịch với KBNN tiếp cận các dịch vụ TTKDTM; lấy khách hàng làm trung tâm của hoạt động thanh toán.
Kho bạc Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1953/QĐ-KBNN ngày 29/4/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM trong toàn hệ thống đến năm 2025.
Đề án phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025 kế thừa những kết quả đã đạt được trong phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN thời gian qua, gắn với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030; Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia nói chung và trong lĩnh vực Kho bạc nói riêng.
Tại Đề án, KBNN đặt ra các mục tiêu phát triển TTKDTM đến năm 2025 gồm:
Thứ nhất, tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong hệ thống KBNN, hình thành thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách, người nộp NSNN, các tổ chức và cá nhân khác có giao dịch với KBNN ở khu vực đô thị trong việc thanh toán nói chung và thu, chi NSNN nói riêng bằng các hình thức TTKDTM, từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ hai, giảm dần tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN và tiến tới hình thành Kho bạc không có tiền mặt trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đảm bảo phù hợp với xu thế chung của đất nước, của khu vực và thế giới về phát triển các giao dịch TTKDTM.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng, các hệ thống thanh toán điện tử của KBNN được nâng cấp; phát triển các dịch vụ thanh toán qua hệ thống KBNN theo hướng đa dạng, hiện đại để đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.
Thứ tư, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong hệ thống KBNN, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt tại KBNN và giảm tới mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, KBNN đã đề ra những giải pháp nhằm phát triển TTKDTM trong hệ thống KBNN đến năm 2025 trên tất cả các lĩnh vực, từ khuôn khổ pháp lý, công nghệ, quy trình nghiệp vụ, an toàn, bảo mật, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công chức và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Trước hết, KBNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông: hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN để các NHTM có thể truy cập vào cổng trao đổi dữ liệu của KBNN lấy thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của các đơn vị sử dụng NSNN; tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của KBNN với các cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và hệ thống thanh toán của các NHTM...
Đồng thời, KBNN đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM. Theo đó, KBNN tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống NHTM đảm bảo đáp ứng điều kiện để mở tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking,...
Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, KBNN phối hợp với NHNN và các NHTM khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, đặc biệt là địa điểm đặt máy ATM của các hệ thống NHTM tại từng địa bàn để báo cáo Bộ Tài chính quyết định mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế.
KBNN triển khai trên diện rộng việc kiểm soát và chủ động thanh toán đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông,...) theo uỷ quyền của các đơn vị sử dụng NSNN.
Đồng thời, KBNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán qua hệ thống KBNN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và sắp xếp vị trí việc làm trong hệ thống KBNN đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh TTKDTM; thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM trong giao dịch với KBNN.
Đề án phát triển TTKDTM trong toàn hệ thống đến năm 2025 cũng đưa ra định hướng thúc đẩy các hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế nói chung và trong hệ thống KBNN nói riêng, đặc biệt là trong thu, chi NSNN, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các đơn vị có giao dịch với KBNN tiếp cận các dịch vụ TTKDTM; lấy khách hàng làm trung tâm của hoạt động thanh toán.
Phát triển TTKDTM cũng giúp cân bằng giữa đổi mới, sáng tạo với ổn định tài chính, cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN, bảo vệ lợi ích quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn, quản lý rủi ro, bảo mật dữ liệu trong lĩnh vực thanh toán.
Đặc biệt, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để thúc đẩy hoạt động TTKDTM trong hệ thống KBNN, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, có khả năng kết nối liên thông, liên mạch với các hệ thống, dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế; tăng cường hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính; ứng dụng các thành tựu, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về TTKDTM.