Kết quả tài chính - ngân sách nhà nước toàn diện, đóng góp vào thắng lợi mục tiêu "kép"

PV.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 là rất tích cực và toàn diện trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh. Kết quả này đóng góp vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Sáng ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu – chi NSNN năm 2020 với 66 điểm cầu Trung ương và các địa phương.

Thu ngân sách tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến thời điểm này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp ngay từ đầu năm, nhiệm vụ tài chính - NSNN được đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Qua đó, góp phần vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước, đó là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5% GDP, hết sức tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so mục tiêu (6,8%) và thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh.

Trong năm, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn hoặc miễn giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí khoảng 128 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan, kho bạc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế kết hợp với hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan để tạo thuận lợi tối đa, tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Trong năm, toàn Ngành cũng đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, với trên 86 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (trong đó riêng cơ quan Thuế thực hiện 79,6 nghìn cuộc); tiến hành kiểm tra 737 nghìn hồ sơ kê khai thuế; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý gần 15 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính.

Qua đó thanh tra, kiểm tra, toàn Ngành kiến nghị xử lý tài chính trên 76 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN trên 22 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 13,5 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác gần 50 nghìn tỷ đồng. "Kết quả này vừa khẳng định nỗ lực của toàn ngành trong việc giữ gìn kỷ cương, kỷ luật tài chính, vừa tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh." - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân

Trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, song nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý chi NSNN, ngành Tài chính vẫn đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, dành nguồn ưu tiên cho đầu tư phát triển để vực dậy nền kinh tế và chi trả nợ đúng hạn, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Đến nay, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân; đồng thời đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Một điểm sáng trong điều hành là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so năm 2019, lũy kế hết tháng 12/2020 đã đạt gần 83% kế hoạch năm. Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2% GDP và 55,9% GDP.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, kết quả đạt được trong năm 2020 là rất tích cực và toàn diện trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh. "Các kết quả nêu trên cũng là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin bước vào năm 2021, năm đầu của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới."- Bộ trưởng tin tưởng.

Phấn đấu thu vượt tối thiểu 3% dự toán Quốc hội quyết định năm 2021

Bước sang năm 2021, trước bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước tiếp tục phụ thuộc nhiều vào kết quả và khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19, để hoàn thành các mục tiêu Đảng và Nhà nước giao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2021, quyết tâm để hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra.

Ngành Tài chính tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu các giải pháp chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, phí và thu ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó do tác động của đại dịch.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Các địa phương phấn đấu thu vượt tối thiểu 3% dự toán Quốc hội quyết định, đối với các địa phương có điều kiện thì phấn đấu tăng từ 3-5%. Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2021 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.