Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Khắc phục bất cập về nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Sáng ngày 5/8 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ủy ban Ngân sách - Tài chính của Quốc hội đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tham gia và đóng góp ý kiến còn có đại diện Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cùng các cơ quan, ban ngành, đơn vị kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc 2 địa bàn trên.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đại diện Ban soạn thảo Luật của Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có các nội dung chính gồm 9 chương, 92 điều với nhiều quy định mới và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các DNNN.
Cụ thể, trong phạm vi điều chỉnh của Luật đề cập đến quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Với nguyên tắc, Nhà nước được xác định là nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào doanh nghiệp, việc xác định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là cần thiết.
Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.

Dự thảo luật lần này đã bổ sung một số điểm mới so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) để phù hợp yêu cầu thực tiễn như: Xác định cụ thể phạm vi nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp theo những lĩnh vực, ngành nghề, mục tiêu, yêu cầu đầu tư vốn (Điều 21), nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước (Điều 22) với hình thức đầu tư vốn vào doanh nghiệp (Điều 23) gồm: đầu tư bổ sung vốn (là việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện bổ sung vốn vào doanh nghiệp đã có vốn góp của Nhà nước); đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (là việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện đầu tư vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc đầu tư vốn vào doanh nghiệp chưa có vốn góp của nhà nước để trở thành doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư).
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cho rằng qua 10 năm thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, do đó cần thiết phải ban hành luật mới thay thế cho Luật số 69/2014/QH13 mà không cần sửa đổi bổ sung, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đã ghi nhận, tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến, góp ý của các đại biểu, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến cụ thể vào từng điều khoản của dự thảo Luật. Qua đó giúp Tổ biên tập tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, sớm trình cấp có thẩm quyền theo quy định, đảm bảo tiến độ, chất lượng đã để ra.