Khai thác thị trường thương mại tỷ đô

Theo Thi Hồng/saigondautu.com.vn

Việc kiếm tiền, “săn” hàng mình thích ở thời kỳ kỹ thuật công nghệ hiện đại bùng nổ như hiện nay rất thuận tiện. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng, năm 2018 doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam đứng thứ 3 về thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Thái Lan và Malaysia. Dự báo doanh thu TMĐT vào năm 2020 sẽ đạt đến 15 tỷ USD. 

Bánh phồng tôm, rau vườn… lên mạng

Trước thực tế TMĐT đang phát triển rầm rộ, hàng loạt doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ… đã chớp thời cơ bán hàng trong lĩnh vực này. Ông Phan Quang Nhựt, đại diện Nhà cổ Ba Đức (Tiền Giang), chia sẻ hiện tại đơn vị đã bán sản phẩm bánh phồng tôm Nhà cổ trên Lazada, Shoppee, Vove… và đạt doanh thu khả quan.

Bà Nguyễn Phương Quỳnh, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), cho biết nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị đã phất lên nhờ bán hàng (rau quả nhà trồng, quần áo thời trang…) trực tuyến. “Chúng tôi khai thác dịch vụ bán vé máy bay, tàu hỏa, lữ hành nội địa và quốc tế… Doanh thu, lợi nhuận hàng năm đều tăng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Mảng bán hàng trực tuyến chiếm 30% - 40% trên tổng doanh thu công ty”,  bà Quỳnh nói. 

Mới đây, theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thì Booking.com, Agoda, Traveloka… tiếp tục là những kênh bán hàng trực tuyến hàng đầu thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam. Ông Joey Zhu, Giám đốc Alibaba.com tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là thị trường lớn, là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh, có chính sách hỗ trợ để tăng trưởng xuất khẩu, có chi phí nhân công giá rẻ. Về tổng quan, cơ hội cho DN Việt phát triển kinh doanh xuất khẩu là  rất lớn. Còn với bà Zoe Zuo, Giám đốc điều hành Công ty Innovative Hub, Việt Nam có nhiều công ty nhỏ và vừa, có lợi thế về chi phí sản xuất so với một số nước trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, Singapore. 

Chủ động và thận trọng

Theo các chuyên gia, hạn chế lớn nhất của DN nước ta chính là việc xây dựng thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm. Bà Zoe Zuo lấy dẫn chứng, có một số công ty Việt Nam lớn nhưng hình ảnh, thiết kế trưng bày sản phẩm trên website thiếu chuyên nghiệp, không để lại dấu ấn đối với khách hàng ngay lần đầu truy cập. Ở thị trường Việt Nam có hơn 1.000 người bán khác nhau tham gia kinh doanh trên Alibaba.com, với các ngành hàng sản xuất gồm thực phẩm, gỗ. Sắp tới Innovative Hub sẽ hỗ trợ DN Việt đối với mảng thực phẩm, nông sản, may mặc, nội thất. 

Các tập đoàn chuyên về TMĐT cũng khuyến cáo rằng, DN muốn tham gia bán hàng trên kênh của họ (Lazada, Tiki, Vove…) không nên ngồi đợi đến khi nền tảng đã xây dựng hoàn thiện, có công cụ thanh toán rồi mới tham gia bán hàng. Vì những DN tham gia trước có hồ sơ công ty tốt hơn DN tham gia sau, dẫn đến khả năng có lượng truy cập vào website tốt hơn, có dữ liệu về hành vi người dùng tốt hơn.

Trao đổi về các rủi ro, tranh chấp (hàng kém chất lượng, hàng giả…) mà DN gặp phải khi tham gia bán hàng qua mạng, đại diện một số tập đoàn TMĐT khuyến nghị DN nên đọc kỹ hợp đồng kinh doanh, phân tích rủi ro có thể gặp phải, nếu được nên tham vấn ý kiến luật sư chuyên về thương mại quốc tế. 

Hình thức kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến, giúp cho các doanh nghiệp, người kinh doanh nhỏ lẻ, khách hàng dễ dàng tiếp cận được bạn hàng, nguồn hàng trong nước và quốc tế. Thế nhưng, lĩnh vực TMĐT cũng tiềm ẩn rủi ro nếu như cả người bán lẫn người mua thiếu thận trọng.