Thương mại điện tử tiếp tay cho hàng giả tung hoành khắp thế giới
Theo nghiên cứu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và văn phòng sở hữu trí tuệ thuộc Liên minh Châu Âu (EUIPO), lượng hàng giả, hàng nhái trên toàn thế giới có giá trị lên đến 590 tỷ USD, tương đương 3,3% tổng giá trị thương mại quốc tế trong năm 2016. Đây là tỷ lệ gấp gần 1,5 lần so với năm 2013, khi hàng giả chiếm 2,5% tổng giá trị thương mại quốc tế, tương đương 461 tỷ USD.
Dùng bưu kiện nhỏ gọn hơn để vận chuyển
Báo cáo cũng phát hiện ra “sự gia tăng mạnh mẽ trong số lượng bưu kiện được vận chuyển qua biên giới”, khi phương thức buôn hàng giả thay đổi từ vận chuyển số lượng lớn bằng đường bộ, đường không và đường thuỷ sang các bưu kiện nhỏ gọn hơn.
Marcos Bonturi - Giám đốc quản trị khu vực công của OECD - cho biết: “Hoạt động buôn bán hàng giả không chỉ cướp đi doanh thu từ các doanh nghiệp và chính phủ, mà còn dung dưỡng cho các loại hình tội phạm khác. Đồng thời, nó cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng”.
Đi cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của những nền tảng mua - bán qua mạng internet là sự bùng nổ của hàng giả. Theo báo cáo từ OECD, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền tảng mua bán sản phẩm trực tuyến, hay chợ thương mại điện tử, đã và đang góp phần thúc đẩy cho sự gia tăng nhanh chóng của hàng giả, hàng nhái trên toàn cầu.
Đáng nói, trong bối cảnh khối lượng thương mại toàn cầu lao dốc so với cùng kỳ, hàng giả, hàng nhái vẫn đạt được mức tăng trưởng đều đặn, cho thấy xu hướng leo thang mạnh mẽ của việc buôn bán hàng giả. Và, những biện pháp phòng chống hầu như không ngăn được tốc độ phát triển đáng lo ngại của hàng giả.
Theo số liệu từ lực lượng hải quan cung cấp cho OECD, hàng giả bị thu giữ nhiều nhất là giày dép, tiếp đến là quần áo, sản phẩm da và thiết bị công nghệ thông tin. Các loại hàng giả, hàng nhái khác thường xuyên bị thu giữ bao gồm đàn guitar, đồ trang sức, dược phẩm, hóa chất, phụ tùng thay thế, đồng hồ cao cấp, thực phẩm, đồ uống và thiết bị y tế. Trong đó, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu kiện quốc tế là hình thức bị các đối tượng buôn bán lợi dụng nhiều nhất để vận chuyển hàng giả, hàng lậu.
Thương mại điện tử và tự do hóa là thủ phạm?
Những tiến bộ công nghệ cho phép quá trình mua bán hàng hóa trực tuyến diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn được cho là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ của hàng giả. Trong đó, “các nền tảng số giúp kết nối nguồn cung - cầu trên toàn thế giới” là yếu tố gây ra tác động rõ rệt, báo cáo từ OECD nhấn mạnh.
Trong số 590 tỷ USD hàng giả bị thu giữ trong quá trình nghiên cứu, gần 24% có chủ sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ. Các quốc gia khác có chủ sở hữu trí tuệ bị xâm phạm bởi hàng giả gồm Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và Anh. Dẫu vậy, các phát hiện của OECD nhiều khả năng chưa cho thấy hết quy mô thực sự của lượng hàng giả được mua bán trên toàn thế giới, khi chúng rất dễ “lọt lưới” cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các số liệu kể trên chưa bao gồm hàng giả được sản xuất, tiêu thụ trong nước và nội dung số lậu. Theo OECD, Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu trong số các nước sản xuất và xuất khẩu hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó, đất nước đông dân nhất thế giới còn là trung tâm của một mạng lưới vận chuyển hàng hoá bất hợp pháp phức tạp gồm nhiều quốc gia khác nhau.
Một vụ hàng giả gây chấn động dư luận gần đây nhất là vào tháng 3 vừa qua, Cảnh sát Trung Quốc phát hiện và triệt phá đường dây vận chuyển, phân phối lậu số vắc xin trị giá gần 90 triệu USD ở 24 tỉnh, thành của nước này. Nếu không, lượng vắc xin giả kinh hoàng này sẽ đe dọa đến tính mạng của hàng triệu người.
Các nguồn cung hàng giả chủ yếu khác, theo báo cáo, gồm Ấn Độ, Malaysia, Pakistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, song số lượng vẫn kém xa Trung Quốc. Được biết, có đến 9/10 loại hàng giả phổ biến bị thu giữ đến từ Trung Quốc. Trong đó, có tới 27% giày dép giả - mặt hàng giả bị thu giữ nhiều nhất - có nguồn gốc từ nước này.
Hàng giả từ Trung Quốc và Hong Kong được đóng vào container để chuyển đi, hoặc sẽ cập cảng Ả Rập Saudi, Yemen. Tại đây, các container được dỡ ra, đóng thành kiện nhỏ để gửi tới châu Phi, hoặc tới Albania, Ai Cập, Maroc và Ukraine, rồi từ đó được chia nhỏ ra mà chuyển vào châu Âu.
Báo cáo chỉ ra, việc kiểm tra đối với các gói hàng nhỏ chưa đầy đủ, chính sách trừng phạt đối với những người buôn lậu và vận chuyển hàng giả không nhất trí cũng góp phần khiến buôn bán hàng giả tăng cao. Ngoài ra, phân tích trong quá khứ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Cục Quyền sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu cho thấy, khu mậu dịch tự do có thể vô ý dung túng cho nạn buôn bán hàng giả.