Khẩn trương để gói hỗ trợ kịp thời đến với DN, tháo gỡ khó khăn cho DN
Trả lời báo chí tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD và hỗ trợ thị trường về thu NSNN về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13 trên địa bàn Tp. Hà Nội sáng ngày 28/5/2012, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội cho biết, trong bối cảnh khó khăn của DN trong nước như phải tạm ngừng hoạt động, thua lỗ và có nguy cơ phá sản do ảnh hưởng lạm phát và suy giảm kinh tế, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 13.
Nhanh chóng phối hợp ngành thuế và khối tài chính
Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng nêu rõ, Hà Nội sẽ quyết tâm tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 13. Với đặc điểm rõ nét của Nghị quyết 13 là có tác dụng thi hành ngay bởi theo thông lệ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính phải sau 60 ngày kể từ ngày kí mới có hiệu lực nhưng Thông tư 83/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 13 của Chính phủ vừa ra đời là có hiệu lực ngay. Do đó, ngành thuế cũng như khối tài chính cần nhanh chóng phối hợp với nhau để đáp ứng nhu cầu của DN. Vai trò của các hiệp hội DN, của ngành thuế là tuyên truyền hướng dẫn để DN biết Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ DN như vậy. Vì vậy, sự hiện diện của đại diện Hiệp hội các DN nhỏ và vừa, DN nữ Hà Nội, DN trẻ Hà Nội cùng khoảng 50 DN đại biểu cho các khu vực tại "Hội nghị Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ" ngày hôm nay là hết sức ý nghĩa và cần thiết nhằm quán triệt thông tin để gói hỗ trợ có thể kịp thời đến với DN, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cũng theo Phó Chủ tịch, các DN sẽ phải chủ động đăng ký, thông báo với cơ quan thuế để được nhận hỗ trợ, tránh bị đưa vào danh sách chậm nộp thuế bởi sau này ngành thuế chỉ làm công tác hậu kiểm, DN không thể ngồi chờ ngành thuế giải quyết những chính sách này cho DN.
6000 tỉ đồng thuộc khu vực thành phố Hà Nội
Gói hỗ trợ của Chính phủ trị giá là 29 nghìn tỉ đồng. Tức là một loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thu ngân sách sẽ làm giảm tương ứng số thu NSNN là 29 nghìn tỉ đồng. Hay nói cách khác DN sẽ được hưởng 29 nghìn tỉ đồng này. Số thu ngân sách của Hà Nội chiếm 24% số thu ngân sách của cả nước. Như vậy trong số 29 nghìn tỉ đồng, có khoảng 6000 tỉ đồng của khu vực thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch cho biết.
Đề cập đến giải pháp của thánh phố nhằm bù lại số thu ngân sách, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết với mục tiêu là vừa tháo gỡ khó khăn cho DN vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nên thu ngân sách vẫn phải bảo đảm. Ngành thuế cần phải hết sức nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các sắc thuế, chứ không bắt DN phải nộp quá sức. Những DN nào làm ăn tốt, có doanh thu, có lợi nhuận phát sinh thì phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Mặt khác, những DN làm ăn tốt phải có trách nhiệm với đất nước, với thành phố để đồng sức đồng lòng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế để cùng phát triển.
Hỗ trợ lãi suất cho DN sau đầu tư
Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, bên cạnh việc quán triệt Nghị quyết 13 cho cộng đồng DN, thành phố Hà Nội cũng có thêm một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN như cơ chế hỗ trợ lãi suất cho DN sau đầu tư. Nếu DN đầu tư hiệu quả, thành phố sẽ hỗ trợ DN lãi suất vay ngân hàng. Thành phố cũng có hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp. Nếu DN đầu tư vào chế biến, giết mổ gia súc gia cầm, tiêu thụ nông sản... cũng được thành phố hỗ trợ lãi suất và nhiều biện pháp hỗ trợ khác. Hay trong việc xây dựng nông thôn mới, DN sẽ được thành phố hỗ trợ toàn bộ tiền mua vật tư vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, làm thủy lợi nội đồng, cứng hóa kênh mương. Như vậy sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất trong nông nghiệp và góp phần tiêu thụ sản phẩm cho khu vực sản xuất vật tư vật liệu.