Tỉnh Quảng Ngãi:
Khẩn trương thu hồi vốn tạm ứng đầu tư công
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch vốn đầu tư công, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án. Mục đích là tập trung thu hồi các khoản tạm ứng quá hạn, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Dư nợ tạm ứng cao
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 10/2021, tổng số dư nợ tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh hơn 869 tỷ đồng; trong đó, nợ tạm ứng quá hạn gần 178 tỷ đồng. Một số đơn vị để tồn đọng nợ tạm ứng quá hạn như Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (gần 47 tỷ đồng), UBND TP.Quảng Ngãi (hơn 40 tỷ đồng), Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (gần 50 tỷ đồng).
Đáng chú ý, có một số khoản tạm ứng quá hạn nhiều năm, đã phải chuyển hồ sơ đến Tòa án để ra phán quyết yêu cầu nhà thầu trả nợ. Cụ thể là các dự án: Đường Trà Phong - Gò Rô - Trà Bung, huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) nợ hơn 5 tỷ đồng; hồ chứa nước Lỗ Lá và Quốc lộ 1, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), mỗi dự án nợ 2 tỷ đồng; đường Ba Tơ - Ba Lế (Ba Tơ) nợ 3,5 tỷ đồng. UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư cần phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế, thu hồi tiền, tài sản... theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, có nhiều dự án dư nợ tạm ứng quá hạn là do vướng mắc trong cơ chế, chính sách tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với vấn đề này, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vận động người dân chấp hành các quy định, quyết tâm đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có khối lượng hoàn tạm ứng.
Sau mốc thời gian trên, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi tiền tạm ứng chưa thực hiện chi trả chuyển về tài khoản của chủ đầu tư, để Kho bạc Nhà nước tiến hành thu hồi lại khoản tạm ứng nộp vào ngân sách.
Không để nợ tạm ứng quá hạn
Nguyên nhân dẫn đến nợ tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cao, về chủ quan hiện có nhiều chủ đầu tư, nhất là cấp huyện và các ban quản lý dự án của tỉnh cùng lúc triển khai nhiều dự án khác nhau. Trong khi tính chất, thời lượng xử lý các nguồn vốn phức tạp, nên chậm làm thủ tục thanh toán thu hồi tạm ứng.
Một số dự án giao cho nhà thầu thi công thiếu năng lực dẫn đến phải thay thế nhà thầu phụ, khiến cho việc thu hồi tạm ứng chưa kịp thời. Ngoài ra, một số chủ đầu tư thực hiện chưa đúng nguyên tắc tạm ứng vốn, dẫn đến nợ quá hạn, trong đó có cả tình trạng nhà thầu tạm ứng rồi sau đó chiếm dụng vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Luyện - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi, thời gian gần đây, Sở đã liên tục tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng cường đôn đốc việc kiểm tra, đánh giá thực hiện và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp, nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định đối với các dự án đã hoàn thành, giãn, hoãn tiến độ. Đồng thời, khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn tất các thủ tục thanh toán để thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn. Đối với các khoản tạm ứng mà hợp đồng xây dựng còn thời hạn, các chủ đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích, thì khẩn trương thực hiện để có khối lượng nghiệm thu, sớm làm các thủ tục thu hồi tạm ứng.
Hiện tại, để hạn chế phát sinh mới nợ tạm ứng xây dựng cơ bản, nhiều chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định về bảo lãnh tạm ứng tại ngân hàng. Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tịnh Đoàn Hữu Thành cho biết: "Bảo lãnh tạm ứng tại ngân hàng là thủ tục bắt buộc phải có, để nếu xảy ra tình trạng đơn vị thi công không hoàn tạm ứng, thì ngân hàng sẽ có trách nhiệm thu hồi lại. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện đúng quy định về mức tạm ứng không quá 30% tổng giá trị hợp đồng, tính toán cụ thể giá trị tạm ứng và tỷ lệ tạm ứng trong hợp đồng".