Khẳng định vai trò của Việt Nam trong tiến trình hợp tác tài chính khu vực

Hà Duy Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), Nguyễn Khánh Linh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)

Những năm qua, kinh tế thế giới liên tục đối mặt với nhiều biến động, nhưng tinh thần đoàn kết khu vực và sự hợp tác chặt chẽ đã trở thành động lực quan trọng để vượt qua thử thách, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong hành trình đó, Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính trong các khuôn khổ khu vực quan trọng như ASEAN, ASEAN+3, hợp tác tiểu vùng. Năm 2024 không chỉ đánh dấu những thành quả đã đạt được, mà còn mở ra những cơ hội mới để Việt Nam tiếp tục vươn xa, góp phần xây dựng một khu vực tài chính ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Đóng góp tích cực trong hợp tác tài chính ASEAN

Trong năm 2024, Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là thành viên tích cực trong nhiều lĩnh vực, chủ trì các sự kiện và đạt được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực như tài chính xanh và bền vững, hợp tác hải quan, bảo hiểm, hợp tác tài chính liên ngành. Các sáng kiến về Hệ thống Phân loại Tài chính Bền vững ASEAN và Kế hoạch Hành động Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) đã góp phần đạt mục tiêu phát triển tài chính xanh trong khu vực.

Thúc đẩy tài chính xanh và bền vững

Tháng 12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã phối hợp với Ủy ban Phân loại ASEAN (ATB), Diễn đàn ACMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo Hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy) tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN nhằm thúc đẩy tài chính bền vững khu vực. Trong năm 2024, Diễn đàn ACMF tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến phát triển thị trường vốn ASEAN bền vững theo Kế hoạch Hành động ACMF giai đoạn 2021-2025. Các kết quả nổi bật bao gồm việc tham vấn các bên liên quan về Hướng dẫn Tài chính Chuyển đổi ASEAN, nghiên cứu Thị trường Carbon tự nguyện và phát triển phiên bản 3 của Bộ phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy).

Ngoài ra, ACMF đã triển khai các chương trình phát triển năng lực cho các thành viên và thị trường, đồng thời tiến hành Đánh giá Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN theo phương pháp mới. Bên cạnh đó, Ủy ban công tác Phát triển thị trường vốn ASEAN (WC-CMD) cũng đã thảo luận và thông qua các mục tiêu chiến lược trong Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030. Các hoạt động đào tạo nhằm tăng cường năng lực và gắn kết giữa các thành viên ASEAN cũng được đẩy mạnh. Bộ Tài chính Việt Nam đang tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm gồm hoàn thiện khung pháp lý và thúc đẩy thị trường tài chính xanh với mục tiêu phát triển mạnh mẽ thị trường trái phiếu xanh.

Tăng cường hợp tác hải quan, bảo hiểm

Việc Việt Nam chủ trì các hội nghị hải quan và bảo hiểm ASEAN đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt trong việc thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp trong phát triển thương mại, thúc đẩy sự phát triển dịch vụ bảo hiểm trong khu vực.

Hợp tác hải quan ASEAN: Tháng 6/2024, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 tại Phú Quốc và các cuộc họp kỹ thuật liên quan. Hội nghị đã rà soát tiến độ của một loạt các nhóm công tác hải quan, bao gồm Ủy ban điều phối ASEAN về Hải quan (CCC), Nhóm công tác về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại (CPTFWG), Nhóm công tác thực thi và tuân thủ hải quan (CECWG), Nhóm công tác xây dựng năng lực hải quan (CCBWG) cũng như Ủy ban chỉ đạo Cơ chế một cửa ASEAN (ASWSC). Hội nghị cũng ghi nhận các kết quả nổi bật, bao gồm hoàn tất việc kết nối dữ liệu tờ khai hải quan với các nước ASEAN, triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS), đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và quản lý doanh nghiệp ưu tiên. Trong vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN 2024-2025, Việt Nam tiếp tục dẫn dắt các sáng kiến quan trọng nhằm tăng cường kết nối và hợp tác hải quan trong khu vực.

Hợp tác bảo hiểm ASEAN: Tháng 12/2023, với vai trò Chủ tịch Hội nghị các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM), Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị AIRM lần thứ 26 tại Quảng Ninh, đóng vai trò tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác bảo hiểm trong khu vực, đặc biệt là các sáng kiến về bảo hiểm rủi ro thiên tai và bảo hiểm nông nghiệp trong khu vực, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm. AIRM cũng thảo luận về vai trò của ngành Bảo hiểm trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN, thúc đẩy bảo hiểm bền vững thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm về bảo hiểm bền vững trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, bảo hiểm vi mô và y tế; các bài học kinh nghiệm về quản lý đại lý bảo hiểm nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm, và hỗ trợ các nước thực hiện khuôn khổ kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn trong khu vực.

Thúc đẩy hợp tác tài chính liên ngành

Việc kết nối giữa kênh hợp tác tài chính với các kênh hợp tác chuyên ngành khác như y tế, nông nghiệp đã giúp ASEAN đối phó hiệu quả hơn với những thách thức liên ngành như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Bên cạnh việc tập trung vào các lĩnh vực tài chính chuyên ngành, trong năm 2024, tiến trình hợp tác tài chính ASEAN tiếp tục mở rộng kết nối với các kênh hợp tác chuyên ngành khác của ASEAN nhằm giải quyết các thách thức liên ngành trong khu vực. Trên cơ sở đề xuất của Indonesia, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 2 (tháng 8/2024), các Bộ trưởng đã phê duyệt việc thành lập Nhóm công tác về Tài chính – Y tế và thông qua Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác. Nhóm công tác sẽ nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban công tác liên ngành ASEAN (ACS-WC) bao gồm ba nhóm công tác nhằm giải quyết các vấn đề về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, các vấn đề tài chính y tế và an ninh lương thực, và tăng cường hợp tác giữa kênh tài chính với các ngành liên quan như Y tế, Thực phẩm, Nông nghiệp và Lâm nghiệp.

Việc củng cố và mở rộng nền tảng hợp tác tài chính liên ngành trong ASEAN không chỉ giúp tăng cường sự kết nối tài chính giữa các quốc gia thành viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ASEAN bền vững, sẵn sàng đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực và bất ổn tài chính. Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, việc mở rộng hợp tác này là nền tảng vững chắc cho một ASEAN mạnh mẽ và liên kết chặt chẽ hơn trong tương lai.

Tháng 4/2024, dưới sự chủ trì của Lào, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 11 và các hội nghị liên quan đã được tổ chức từ ngày 4-5/4/2024 tại Luang Prabang, Lào. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam tham dự các hội nghị. Với sự nhất trí cao, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 11, thể hiện quan điểm về các vấn đề khu vực, các kết quả hợp tác và hội nhập tài chính ngân hàng ASEAN trong thời gian qua.

Thúc đẩy hợp tác tài chính ASEAN+3

Chủ trì Hội nghị Cổ đông Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư

Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư (CGIF) được thành lập vào tháng 11/2010 trong khuôn khổ Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á (ABMI) thuộc tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3, với mục tiêu phát triển và củng cố thị trường trái phiếu sử dụng đồng nội tệ trong khu vực. Được phê duyệt của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3, với sự tham gia góp vốn của các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), CGIF đã khởi đầu hoạt động từ năm 2012. Đến cuối năm 2023, vốn pháp định của Quỹ do các nước đóng góp đã lên tới 1.158.000.000 USD. Quỹ CGIF cung cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp uy tín tại các nước ASEAN+3 khi phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ. Mục tiêu của Quỹ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn tài chính dài hạn, giảm sự phụ thuộc vào việc đi vay bằng ngoại tệ, và giải quyết những vấn đề mất cân đối về tiền tệ và kỳ hạn.

Nhờ có hệ số tín nhiệm cao, bảo lãnh của Quỹ CGIF giúp các doanh nghiệp cải thiện đáng kể xếp hạng tín dụng của trái phiếu phát hành, từ đó giảm chi phí và tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp. Việc bảo lãnh trái phiếu của Quỹ CGIF đã tạo ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn, công ty trong khu vực ASEAN+3 đa dạng hóa nguồn vốn và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu khu vực. Tính đến ngày 30/4/2024, Quỹ CGIF đã bảo lãnh cho 73 giao dịch phát hành trái phiếu của 49 tập đoàn từ 11 nền kinh tế thuộc ASEAN+3 với tổng quy mô trái phiếu được bảo lãnh lũy kế lên tới 3,322 tỷ USD.

Việt Nam là một trong số các nước nhận được nhiều bảo lãnh tín dụng từ CGIF cho các khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ CGIF đã bảo lãnh cho 14 giao dịch phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như VinGroup, Masan và Thế Giới Di Động. Thông qua bảo lãnh của Quỹ CGIF, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng và đa dạng hóa nguồn tài chính, huy động vốn từ thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ cũng như tiếp cận thị trường trái phiếu khu vực. Trái phiếu được Quỹ CGIF bảo lãnh cũng là những lựa chọn hấp dẫn cho các tổ chức trong nước tiếp cận các khoản đầu tư an toàn cho danh mục đầu tư, từ đó làm tăng độ sâu của thị trường vốn. Bên cạnh đó, Quỹ CGIF cũng tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về thị trường vốn, thúc đẩy các chương trình nghị sự về môi trường, xã hội và khí hậu thông qua các sản phẩm thị trường vốn khác nhau do Quỹ CGIF hỗ trợ.

Ngày 28/5/2024, Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cổ đông thường niên CGIF - hội nghị quan trọng nhất của Quỹ hàng năm. Tại Hội nghị, các cổ đông đại diện cho các thành viên CGIF, dưới sự chủ trì của Việt Nam, đã thảo luận và thông qua các vấn đề quan trọng đối với hoạt động của Quỹ, như việc thông qua Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, lựa chọn kiểm toán độc lập bên ngoài cho Quỹ giai đoạn 2024-2028, phê duyệt Báo cáo thường niên 2023. Bên cạnh đó, ngày 16/9/2024, Việt Nam cũng đã chủ trì Hội nghị Cổ đông đặc biệt CGIF để phê duyệt bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Khen thưởng của CGIF theo đề nghị của Chủ tịch Ban điều hành CGIF. Việc chủ trì các hội nghị quan trọng của CGIF tiếp tục khẳng định vị thế của Bộ Tài chính Việt Nam trong hợp tác tài chính ASEAN+3.

Ngày 17-18/12/2024, tại thành phố Pyeongchang (Hàn Quốc), Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3) đã nhóm họp dưới sự đồng chủ trì của Lào và Hàn Quốc. Tại hội nghị, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 đã thảo luận và thông qua các quyết định quan trọng định hướng hoạt động hợp tác tài chính trong các sáng kiến của ASEAN+3 như Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), Sáng kiến Tài chính ứng phó rủi ro thiên tai (DRF), kế hoạch trung hạn và các định hướng chiến lược của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). Tại Hội nghị, Việt Nam tiếp tục cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN+3, đóng góp tích cực vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của khu vực.

Hợp tác tài chính tiểu vùng

Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) được hình thành vào tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan, Myanmar. Khuôn khổ này bao gồm năm quốc gia thành viên: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. ACMECS hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, khai thác lợi thế so sánh giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và giảm khoảng cách phát triển trong khu vực. Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực trong việc tham gia và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng tâm như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, du lịch và bảo vệ môi trường.

Quỹ Phát triển ACMECS là một trong những sáng kiến quan trọng nhất nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác thông qua việc huy động các nguồn lực tài chính cho các dự án của ACMECS. Quỹ được thành lập với mục tiêu tạo ra một nguồn tài chính chung để hỗ trợ thực hiện các dự án trọng điểm trong khu vực, bao gồm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, nghiên cứu khả thi và tài trợ cho các dự án có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của khu vực. Quy mô Quỹ hướng đến mục tiêu huy động 500 triệu USD từ các nguồn tài chính đa dạng, bao gồm đóng góp tự nguyện từ các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển và huy động từ thị trường tài chính quốc tế. Bộ Tài chính Việt Nam đã tích cực tham gia trong quá trình thảo luận xây dựng cơ chế đóng góp và hoạt động của Quỹ nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động cũng như lợi ích tích cực cho các nước thành viên ACMECS.

Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 10 (tháng 11/2024), theo đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thông báo quan trọng với Hội nghị về cam kết của Việt Nam đối với hợp tác ACMECS, theo đó Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển Quỹ Phát triển ACMECS như một công cụ chiến lược để tăng cường liên kết kinh tế khu vực và đảm bảo sự phát triển bền vững, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo vào quá trình phát triển ACMECS. Bài phát biểu của Thủ tướng không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc đồng hành cùng khu vực, mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong các sáng kiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác nội khối.

Vai trò của Việt Nam trong ACMECS không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên mà còn góp phần nâng cao vị thế của Đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Với những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang đóng góp quan trọng vào sự thành công của ACMECS, khẳng định vị thế là một đối tác tin cậy, một thành viên trách nhiệm trong các sáng kiến hợp tác khu vực.

Kết luận

Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế là một thành viên tích cực, trách nhiệm trong tiến trình hợp tác tài chính khu vực. Vai trò của Việt Nam không chỉ thể hiện qua các đóng góp tài chính mà còn qua những sáng kiến và nỗ lực mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của khu vực. Những thành tựu đạt được không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia mà còn góp phần xây dựng một khu vực tài chính ổn định, thịnh vượng và đoàn kết.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc tăng cường vai trò trong hợp tác tài chính khu vực là nền tảng vững chắc để Việt Nam khẳng định vị thế và nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong hợp tác khu vực, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng tài chính bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự ổn định, phồn thịnh của toàn khu vực.

Tài liệu tham khảo:

  1. ASEAN (2024), Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương lần thứ 11 (AFMGM) (ngày 05/04/2024);
  2. Báo cáo tổng kết thực hiện công tác hợp tác tài chính khuôn khổ ASEAN trong năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính; Vụ Hợp tác quốc tế;
  3. Thời báo Tài chính Việt Nam (2024), Hội nghị AFCDM+3 dự báo các nước ASEAN tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong năm 2025;
  4. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (2024), Việt Nam đóng góp rất thiết thực cho các cơ chế hợp tác đa phương khu vực;
  5. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2024), Quỹ Bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư (CGIF) tổ chức Hội nghị Cổ đông Thường niên tại Hà Nội;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2025