Bắc Giang:

Khảo sát xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công năm 2024

Yến Tâm

Thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ được giao, từ ngày 18/01/2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang tổ chức thực hiện khảo sát thực tế, tại các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có nội dung đề án, đăng ký kế hoạch hỗ trợ kinh phí khuyến công năm 2024.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang kết hợp hậu kiểm cả những đề án đã thực hiện của năm trước.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang kết hợp hậu kiểm cả những đề án đã thực hiện của năm trước.

Đoàn tham gia khảo sát gồm có đại diện Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện/thành phố. Năm 2024, nội dung đề án đăng ký rất đa dạng thuộc các ngành, nghề như: Cơ khí, gia công cơ khí chính xác, chế biến nông - lâm sản, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ…

Đoàn đã khảo sát thực tế được gần 100 cơ sở CNNT của 10/10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh, đây là cơ sở để Trung tâm tham mưu Sở Công Thương trình UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt.

Nhìn lại giai đoạn 2021 -2023, Sở Công Thương đã tổ chức triển khai thực hiện, nghiệm thu nhiều đề án khuyến công hiệu quả.

Trong năm 2023, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ sở CNNT triển khai tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt Kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia, Kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh, đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm 6 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 3,2 tỷ đồng và 16 đề án khuyến công địa phương với kinh phí 3,3 tỷ đồng.

Trong năm 2023, hoạt động khuyến công đã thực hiện hỗ trợ được 20 cơ sở CNNT, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản phục vụ thị trường xuất khẩu (gỗ ván ép phủ phim xuất khẩu sang thị trường: Malaysia, Singapore; vải thiều, nhãn, dứa, cà chua… đóng hộp xuất khẩu sang thị trường: Nga, Pháp, Hà Lan, Estonia, Thái Lan)...; sản xuất sản phẩm mới, du nhập nghề mới vào địa phương: Bánh mỳ tươi (huyện Hiệp Hòa), mỳ gạo (huyện Lạng Giang)...

Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết kế, in ấn mẫu mã, bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn các cấp, sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt hạng 3 sao, 4 sao…

Ngoài việc thực hiện khảo sát thực tế, Trung tâm còn kết hợp hậu kiểm những đề án đã thực hiện của năm trước.