Khát vốn, doanh nghiệp vẫn không dám vay

Theo plo.vn

(Tài chính) Lãi suất vẫn quanh quẩn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tiến thoái lưỡng nan, dù khát vốn nhưng vẫn không dám đi vay.

Khát vốn, doanh nghiệp vẫn không dám vay
Việc tiếp cận được vốn vay của ngân hàng đang là điều khó khăn với nhiều DN. Nguồn: internet

Tình trạng ngân hàng thừa tiền, còn nhiều DN không tiếp cận được vốn đang là vấn đề khá nan giải. Theo đó, nguyên nhân chính vẫn là lãi suất cho vay vẫn còn cao đối với nhiều DN, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Lãi vay vẫn giảm được nữa?

Trong báo cáo của Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 17/12/2013, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm so với trước và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2006-2007. Lãi suất huy động giảm 2%-3%/năm và lãi suất huy động bình quân của hệ thống ngân hàng khoảng 7,16%/năm. Lãi suất cho vay đã giảm 3%-5%/năm. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/11/2013, tỉ trọng dư nợ cho vay có mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm 30,03% trong tổng dư nợ, mức lãi suất 10%-15%/năm chiếm tỉ trọng còn lại. Tính ra lãi suất cho vay bình quân đang ở mức gần 12%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay vẫn còn có thể tiếp tục giảm xuống được nữa khi mức chênh lệch giữa lãi suất huy động bình quân và lãi suất cho vay bình quân vẫn 4%-5%.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, có những DN vay được lãi suất thấp chỉ 6%-8%/năm nhưng đó là những DN lớn, vẫn có những DN phải vay với lãi suất trên 13%/năm. Bên cạnh đó, việc DN có vay được vốn hay không lại phụ thuộc vào sự “ăn thua” về mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với DN đó và tài sản thế chấp như thế nào.

Theo ông Hưng, tuy lãi suất ở Việt Nam đã giảm nhưng so với các nước vẫn còn cao. Hiện nay, nhiều DN ngại vay vốn để đầu tư (với lãi vay trên 13%/năm) và chỉ vay vốn lưu động hoạt động cầm cự.

DN mất dần sức cạnh tranh

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành có nhận định, trong những năm vừa qua khi lãi suất cho vay nhảy vọt từ mức dưới 10%/năm (năm 2007) lên mức 25%/năm (năm 2010), lãi suất quá cao đã phá vỡ kế hoạch hoạt động của DN. Theo đó đã góp phần khiến nhiều DN chết vì không thể trả nổi lãi vay ngân hàng, vì chi phí đầu tư cho phương án sản xuất, kinh doanh đội lên quá cao so với mức tính toán ban đầu.

Bên cạnh đó, dù mặt bằng lãi suất đã giảm về mức chỉ còn khoảng 9%/năm (theo tính toán của NHNN) nhưng so với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay thì mức lãi suất này cũng là chưa hợp lý. “Trong khi các DN Việt phải cạnh tranh hàng hóa với DN FDI về trình độ, máy móc... Bên cạnh đó, họ cũng phải cạnh tranh về chi phí khi DN FDI vay vốn ở nước họ chỉ 1%-2%/năm. Hệ quả là ngay trên thị trường Việt Nam, DN nội làm sao cạnh tranh được” - ông Thành phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đang đặt ra cho năm 2014 đối với cả nền kinh tế và ngành ngân hàng là cần giải quyết nhu cầu vốn cho những DN không đủ điều kiện vay (dính nợ xấu, tài sản thế chấp không đủ…) nhưng có dự án và phương án khả thi. Vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị ngành ngân hàng phải thay đổi cách cho vay cũng như nỗ lực hỗ trợ cho vay để DN cải thiện sản phẩm bằng cách đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Như vậy, DN mua máy móc thì chỉ cần có vốn tự có 20%-30%, còn ngân hàng sẽ cho DN vay 70%-80% giá trị máy móc và thế chấp bằng chính máy móc này…

Việc giảm lãi suất để giúp DN có thể giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm đang là một mong mỏi của cộng đồng DN. Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm nhưng việc tiếp cận được vốn vay của ngân hàng đang là điều khó khăn với nhiều DN.