Khẩu vị nhà đầu tư ngoại qua M&A: Bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính lên mâm
Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới bởi tác động từ sự sôi động của thị trường M&A.
Vậy đâu sẽ là những lĩnh vực mang tính đột phá trong hoạt động M&A thời gian tới? Trả lời câu hỏi trên tại diễn đàn M&A Việt Nam 2019, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng, ngân hàng và dịch vụ tài chính sẽ rất được quan tâm.
Củng cố cho nhận định của mình, ông Hùng phân tích, trong ngắn hạn, tiến trình tái cơ cấu ngân hàng và xoá nợ xấu sẽ kết thúc 2020, điều này đặt ra khả năng cao sẽ có một số thương vụ M&A trong quá trình tái cơ cấu này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang áp dụng các chuẩn mực tài chính mới, yêu cầu ngân hàng tăng cường năng lực tài chính cũng là cơ hội để nguồn vốn bên ngoài chảy vào.
“Một yếu tố nữa là hiệp định EVFTA, việc mở rộng sở hữu cho khối nhà đầu tư châu Âu vào lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ là động lực cho lĩnh vực này”, ông Lê Mạnh Hùng nói.
Bổ sung thêm, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, lĩnh vực ngân hàng sẽ rất thú vị, và nhiều khả năng bất động sản cũng cất cánh; giáo dục, y tế, lữ hành sẽ là những ngành nóng, bên cạnh sự trỗi dậy của ngành năng lượng sạch, xanh vì tầm quan trọng của nó.
Đánh giá sâu về lĩnh vực bất động sản, ông Ben Gray, Giám đốc thị trường vốn, Công ty Cushman & Wakefield cho rằng, trong 20 - 24 tháng tới sẽ có nhiều hoạt động trong lĩnh vực mua lại.
"Chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế tìm kiếm đối tác trong nước để nắm bắt cơ hội vào những quỹ đất đang tồn tại. Gọi vốn riêng lẻ sẽ nóng lên khi ngân hàng cắt giảm vốn vay cho một số lĩnh vực", ông Ben Gray nhận định.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức cần lưu tâm. Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện thời là rào cản với lĩnh vực bất động sản.
"Tôi mong muốn Chính phủ quan tâm đến các vấn đề quyền sử dụng đất để có giải pháp, nếu không nó sẽ kéo thị trường xuống và ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi phải mang tính hệ thống. Chuyện này phải giải quyết xong trước khi chúng ta thực hiện làn sóng M&A mới", ông Stephen Wyatt khiến nghị.
Cùng tỏ ra hứng thú với thị trường bất động sản, ông Andrew D. Kim, Giám đốc phát triển Trung tâm M&A toàn cầu, Cơ quan xúc tiến Đầu tư Hàn quốc (KOTRA) chia sẻ, hoạt động M&A của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại châu Á đang diễn ra khá tích cực, chẳng hạn ở Malaysia và Singapore thì bất động sản và tài chính là 2 lĩnh vực yêu thích, nhưng ở thị trường Việt Nam, họ lại thích đầu tư vào các ngành công nghiệp lĩnh vực chế tạo, công nghiệp nặng, nhưng cũng đang chuyển dịch sang bất động sản.
Hiện nay, các lĩnh vực đầu tư mà nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm cũng đa đa dạng hơn, vì thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân đang phát triển rất mạnh. Cho nên, các lĩnh vực như hạ tầng và tiện ích cũng là lĩnh vực họ quan tâm, vì có liên quan đến phát triển công nghiệp…
Trong khi đó, ông Dennis Ng Teck Yow, Phó tổng giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam thì nhìn nhận, càng ngày sẽ có sự tham gia càng nhiều của các tay chơi quốc tế. Sự kết nối sẽ diễn ra trực tiếp với chủ đất tại địa phương chứ không chỉ các nhà phát triển bất động sản, điều này đồng nghĩa những chủ đất thực sự sẽ tạo ra những cuộc đầu tư lớn hơn.
Có góc nhìn tương đối khác các chuyên gia nói trên, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư, Công ty VinaCapital tỏ ra khá thận trọng khi đánh giá, Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư với một nền kinh tế ngày càng lớn và thị trường gần 100 triệu dân.
Sức chi tiêu tăng dần đồng nghĩa hàng tiêu dùng, hệ thống giáo dục, y tế sẽ ngày càng được quan tâm. Đó là những tình huống thực. Tuy nhiên, bất động sản nhiều khả năng sẽ chỉ có đột phá trong hoạt động M&A ở góc độ từng dự án. Còn ngân hàng vẫn còn một số vướng mắc nhất định nên khó có khả năng bùng nổ.
"Chúng tôi quan tâm tất cả lĩnh vực thúc đẩy bức tranh kinh tế vĩ mô phát triển, chúng tôi nhìn vào bức tranh lớn, những ngành cải thiện được thị trường để người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc những ngành ứng phó được vấn đề xuất khẩu", ông Andy Ho nói.