Khi EU tìm cách "níu giữ" đồng minh Mỹ...

Theo Dương Thái/thanhtravietnam.vn

Ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản, nhất trí cùng Trung Quốc hợp tác bảo vệ trật tự thương mại đa phương, cảnh báo những biện pháp đáp trả tương xứng nếu Mỹ áp thuế với ô tô nhập khẩu từ châu Âu… Liên minh châu Âu (EU) đang thể hiện một thái độ khá “cứng rắn”, được xem là nhằm tạo lợi thế trước cuộc đàm phán quan trọng giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

EU liên tục “dính đòn” do các chính sách đối ngoại phi truyền thống mà Tổng thống Trump thực thi. Nguồn: internet
EU liên tục “dính đòn” do các chính sách đối ngoại phi truyền thống mà Tổng thống Trump thực thi. Nguồn: internet

Mặc dù trọng tâm thảo luận là việc cải thiện thương mại giữa EU và Mỹ cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế vững mạnh hơn, song cuộc đàm phán cũng được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội đưa mối quan hệ, vốn bị rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền tháng 1/2017, bình thường trở lại.          

Từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã gây nhiều bất hòa với các đồng minh, đặc biệt mối quan hệ EU-Mỹ tồn tại suốt 70 năm đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Quan điểm “Nước Mỹ trước tiên " của ông chủ Nhà Trắng đang chi phối hầu hết các quyết sách quan trọng của Mỹ cũng như quan hệ của Washington với các đồng minh, khiến tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ngày càng bị lung lay. Chỉ trong vòng hai tháng nay, EU liên tục “dính đòn” do các chính sách đối ngoại phi truyền thống mà Tổng thống Trump thực thi.         

Lợi ích của các nước EU, nhất là các công ty châu Âu, đã bị tổn hại khi ông Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trừng phạt trở lại Tehran. Trong 3 năm qua, sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 được ký kết tháng 7/2015, hàng loạt công ty châu Âu đã đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh với Iran. Thương mại giữa EU và Iran đã tăng gấp 3 lần, lên 21 tỷ euro vào năm 2017. Tuy nhiên, rủi ro từ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran khiến mọi việc đình trệ. Động thái của Mỹ  đe dọa trừng phạt các nước tiếp tục giao dịch với Iran, trong đó có cả đồng minh châu Âu, đang đẩy quan hệ hai bờ Đại Tây Dương vào thời kỳ ảm đạm.           

Trong khi quyết định của Washington áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn đang khiến EU tức giận và tìm cách đáp trả tương xứng, thì Tổng thống Trump lại đe dọa áp mức thuế 20% đối với mọi xe ô tô lắp ráp tại EU. Đây được xem là "cú đánh hiểm" đối với EU. Năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ô tô của Mỹ từ Đức lên tới trên 20 tỷ USD.           

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 11-12/7 ở Brussels (Bỉ) và sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/7 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan càng khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu thêm lo ngại. Tại Brussels, người ta đã chứng kiến các cung bậc thăng trầm trong mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu. Washington liên tục gia tăng sức ép buộc các đồng minh tăng cường chi tiêu cho quốc phòng. Việc ông Trump đe dọa rút khỏi NATO nếu các nước châu Âu không tăng ngay lập tức chi phí quân sự được xem là một ý kiến nghiêm túc. Đồng thời, ông Trump cũng công kích EU là "khờ khạo", thậm chí xúi giục Anh kiện EU về các điều khoản Brexit. Đặc biệt, nền kinh tế đầu tàu EU, đồng minh chủ chốt là Đức đã bị Tổng thống Mỹ tập trung “chĩa mũi dùi” trực tiếp.           

Đỉnh điểm của căng thẳng là khi Tổng thống Trump ngày 16/7 vừa qua tại Helsinki, đã gọi EU là "kẻ thù" của Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Cùng thời điểm đó, ông Trump đã tỏ thái độ có thể gọi là “thân thiện” với Tổng thống Nga V.Putin, điều khiến các đồng minh châu Âu thực sự lo ngại về khả năng Washington đang xích lại gần Nga và xa rời EU.           

Tất cả những bất đồng tích tụ thời gian qua đang khiến EU nghi ngờ vào mối quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ. Thậm chí, nhiều người còn đặt câu hỏi “Có phải liên minh xuyên Đại Tây Dương đã chết?”. EU buộc phải thừa nhận một thực tế rằng Tổng thống Donald Trump đang thực thi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà không quan tâm tới đồng minh.           

Trước nhiều động thái bất lợi từ phía đồng minh truyền thống, nhiều dấu hiệu cho thấy EU đang cố thoát khỏi cái bóng của Mỹ, với những hành động được một số nhà phân tích cho là để "tìm lại trật tự thế giới được thiết lập dựa trên những nguyên tắc nhất quán" với các đối tác cùng chí hướng tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới. EU có nhiều điểm tương đồng với Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico, hơn là với chính quyền hiện nay của Mỹ.           

Lo ngại việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến “lục địa già” phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế cũng như đối mặt với những nguy cơ bất ổn an ninh, các cường quốc EU đang nỗ lực thiết lập một khuôn khổ chung nhằm duy trì thỏa thuận với Iran. EU đã kích hoạt "cơ chế phong tỏa" nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu và đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng tới các công ty EU đang sản xuất, kinh doanh tại Iran.           

Đáp lại chính sách thuế của Mỹ, EU đã gửi Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo Mỹ rằng việc áp thuế nhập khẩu đối với ô tô và linh kiện ô tô sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ô tô của chính nước Mỹ và có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.  Bên cạnh đó, những ý tưởng như thành lập lực lượng quốc phòng chung EU đang được triển khai, cũng là cách để EU giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh. Có vẻ sau những căng thẳng vừa qua, EU đang muốn tự quyết định con đường của mình, thay vì chịu sự chi phối của một đồng minh truyền thống ngày càng khó đoán như chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.               

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng mối quan hệ Mỹ-EU có quá nhiều mối ràng buộc mà Brussels không thể dễ dàng cắt đứt. Các lợi ích về kinh tế hay an ninh mà mối quan hệ với Mỹ mang lại đủ sức nặng để buộc EU phải “níu giữ” đồng minh đang ngày càng trở nên “khó chơi” này. Đó cũng là lý do EU không "bắt tay" với Trung Quốc trong một liên minh đối phó với Mỹ. Chuyến thăm của Chủ tịch EC tới Mỹ lần này cũng nằm trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Giới chức EU thậm chí còn tuyên bố chuyến thăm là cơ hội để thảo luận và duy trì đối thoại mở và xây dựng với Mỹ nhằm giảm nhẹ bất kỳ căng thẳng tiềm tàng nào xung quanh vấn đề thương mại. Có thể thấy EU vẫn đang tỏ ra khôn khéo trong hành động, không để bất đồng với Washington trở nên tồi tệ và kéo dài, bởi trên thực tế, EU vẫn coi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một trụ cột góp phần bảo đảm an ninh và ổn định ở châu Âu.