Khi gói tín dụng 50.000 tỷ đồng “ra Bắc”

Trường Lục

(Tài chính) Chiều nay (17/4), tại Hà Nội, Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành Xây dựng lần 2 nhằm tiếp tục khơi thông những thắc mắc của dư luận xung quanh gói tín dụng này.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Ảnh: Văn Trường
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Ảnh: Văn Trường

Như vậy, đây là hội nghị lần 2 được diễn ra sau thành công của Hội nghị khách hàng lần 1 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 3 vừa qua.

“Xả” 10.000 tỷ đồng cho vật liệu xây dựng

Mục tiêu của chương trình lần này là  nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SX vật liệu xây dựng (VLXD) - Ngân hàng), nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ…

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, gói 50.000 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và BĐS khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, và cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm BĐS cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chương trình

Theo VNCB, điểm ưu việt của chương trình này là 4 nhà trên cùng ký kết trên 1 hợp đồng, trong khi các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp (DN) trong chuỗi.

Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các NHTM cung cấp nguồn vốn cho các dơn vị/DN trong ngành Xây dựng - Vật VLXD - BĐS.

Gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho vay thương mại và sản xuất, VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10 nghìn tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho VLXD và được quay vòng trong năm 2014. Đặc biệt, hình thức cấp tín dụng là bằng hàng hóa VLXD với các phương thức như bảo lãnh dự thầu, Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo lãnh thanh toán, Bảo lãnh thanh toán thuế xuất - nhập khẩu…Qua đó, hàng hóa là VLXD sẽ được trả chậm đến tận chân các dự án, các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, VNCB cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm dịch vụ và tín dụng cho mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và các dịch vụ.

Tại hội nghị này, VNCB ký kết hợp tác triển khai chương trình với các ngân hàng liên minh cung ứng vốn, như: MBBank, OceanBank, SCB, Nam Á Bank, VP Bank, HD Bank… Đồng thời, VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh cũng ký kết với các DN ngành Xây dựng - VLXD – BĐS như Viglacera, Fico, Thép Thái Nguyên, BĐS Hoàng Quân, Đất Lành, Công ty Xây dựng miền Trung 579, Công ty Cổ phần  BĐS Hải Phòng…

Và tạo ra chuỗi khép kín 4 nhà

Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS hiện nay không “khỏe” là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên tham gia thị trường đã làm cho các giao dịch kinh tế (mua bán VLXD, thi công công trình dở dang; nộp tiền mua nhà theo tiến độ, thanh toán tiền xây dựng và VLXD…) của thị trường BĐS gặp khó khăn; Nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực BĐS có xu hướng giảm vào cuối năm 2013, tuy nhiên vẫn ở mức cao.

Để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng/BĐS, vai trò của các NHTM đóng vị trí quan trọng nhằm giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng.

Theo VNCB, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng liên kết 4 nhà nhằm thực hiện 6 mục tiêu sau:

Thứ nhất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho BĐS, hàng tồn kho vật liệu xây dựng.

Thứ hai, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục đầu tư, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí; tạo điều kiện cho các DN đang có nợ quá hạn có thể vay vốn, giúp dự án có đủ vốn để triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Thứ ba, tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền; đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, tạo ra năm “yên tâm” trong xây dựng cơ bản: tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng, chủ đầu tư yên tâm đầu tư, nhà thầu yên tâm thi công, nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị; người mua yên tâm góp vốn.

Thứ năm, giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp, tiết kiệm nguồn vốn cho vay đối với công trình, dự án đầu tư.

Thứ sáu, nâng cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần chống tham nhũng, thất thoát lãng phí, tiêu cực.

Hiện nay có 8 ngân hàng đăng ký với Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước  tham gia chương trình liên kết 4 nhà là  Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AgriBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank),  Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHBank), VNCB, Ngân hàng SHBank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt…

 

Dự kiến, VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 3 tại Đà Nẵng vào tháng 05/2014.