Khi hệ thống ngân hàng thừa tiền…

Theo Quốc Thụy/vietnambiz.vn

Thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục trong tình trạng dư thừa trong những tháng đầu năm khi các nhà băng gặp khó khăn trong hoạt động cho vay. Điều này dẫn tới một loạt hệ quả liên quan đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, lãi suất trái phiếu chính phủ, tỷ giá...

Thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục trong tình trạng dư thừa trong những tháng đầu năm.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục trong tình trạng dư thừa trong những tháng đầu năm.

Hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản

Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy tính đến ngày 20/3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,68% so với cuối năm 2019, tương đương với lượng tín dụng tăng thêm chỉ là hơn 55.700 tỉ đồng.

Về phía nguồn cung vốn, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng trưởng 1,55% so với cuối năm 2019, tương ứng với mức tăng thêm gần 163.900 tỉ đồng.

Như vậy, chệnh lệch giữa mức tăng trưởng M2 và tín dụng tăng thêm là khoảng 108.000 tỉ đồng. Điều này có nghĩa, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm một lượng lớn thanh khoản chỉ trong 3 tháng đầu năm.

Sự dồi dào tiền trong hệ thống ngân hàng được thể hiện rất rõ qua các động thái hút ròng liên tục tiền ra khỏi thị trường của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua.

Theo đó, kể từ đầu năm ngày 20/3, NHNN đã hút ròng tổng cộng hơn 147.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu và gần như không bơm tiền qua kênh OMO khi liên tục duy trì lượng OMO lưu hành trên thị trường ở mức 0.

Kể từ đầu năm, NHNN đã liên tục phát hành tổng hơn 147.000 tỉ đồng tín phiếu để hút ròng tiền về. (Nguồn: BVSC)
Kể từ đầu năm, NHNN đã liên tục phát hành tổng hơn 147.000 tỉ đồng tín phiếu để hút ròng tiền về. (Nguồn: BVSC)

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sự dư thừa thanh khoản chủ yếu đến từ việc các ngân hàng không thể đẩy mạnh hoạt động cho vay trong những tháng đầu năm với mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 6 năm qua.

NHNN gần như như không bơm tiền qua kênh OMO kể từ đầu năm tới nay. (Nguồn: BVSC)
NHNN gần như như không bơm tiền qua kênh OMO kể từ đầu năm tới nay. (Nguồn: BVSC)

Tại cuộc họp thông tin về thông tư qui định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết dịch bệnh đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Và có tới 926.000 tỉ đồng dư nợ tại các ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm 11,3% tổng dư nợ toàn ngành.

Trên thực tế, lãnh đạo của các ngân hàng lớn cũng bày tỏ sự lo lắng về việc khó cho vay trong những tháng đầu năm.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng đã giảm gần 2%. Theo ông Tú, sự suy giảm này là "phù hợp với xu hướng" do tính mùa vụ và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch COVID-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Tương tự, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng chia sẻ trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay của ngân hàng cũng chỉ xấp xỉ con số chung của toàn ngành (0,1%) do cộng hưởng của yếu tố mùa vụ và dịch bệnh.

….và những hệ quả

Hệ quả đầu tiên từ tình trạng thừa tiền trong một thời gian tương đối dài trong hệ thống ngân hàng là sự đi xuống của mặt bằng lãi suất.

Ngay từ đầu năm, một số ngân hàng tư nhân có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ từ như Techcombank, ACB và VPBank điều chỉnh hạ lãi suất huy động tại các kì hạn dài.

Số liệu của BVSC cho thấy ngay trong tháng 2 (tức trước thời điểm NHNN hạ một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn) lãi suất huy động đã bắt đầu giảm. 

Theo đó, kì hạn 12 tháng của các ngân hàng đều có xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất trung bình của nhóm 4 NHTM gốc quốc doanh giảm 0,1%, về mức 6,63%/năm; nhóm NHTM có qui mô vốn trên 5.000 tỉ đồng giảm 0,06%, về mức 7,23%/năm; nhóm NHTM có qui mô vốn dưới 5.000 tỉ đồng giảm 0,03%, về mức 7,58%/năm.

Tiếp đó, khi NHNN thông báo hạ loạt một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ ngày 17/3, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi ở cả kì hạn dài và kì hạn ngắn.

Diễn biến lãi suất huy động 12 tháng.
Diễn biến lãi suất huy động 12 tháng.

Cùng với việc hạ lãi suất huy động, các nhà băng cũng chủ động giảm lãi suất cho vay thông qua hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi. Điều này ngoài góp phần chia sẻ gánh nặng với khách hàng còn giúp chính các nhà băng giải tỏa được lượng vốn ứ đọng trong hệ thống, gia tăng hiệu suất sử dụng vốn.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã xây dựng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất từ 0,5% đến 1,5% với tổng giá trị các gói tín dụng khoảng 285.000 tỉ đồng. Đồng thời các ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1% đến 3%; tiếp tục xem xét không tính lãi phạt, giảm phí các dịch vụ ngân hàng.

Ở một khía cạnh khác, sự dư thừa thanh khoản trên hệ thống cũng liên quan trực tiếp đến xu hướng lao dốc của lãi suất trái phiếu chính phủ. Theo giới phân tích, do thanh khoản dư thừa trong quí I, các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ, khiến lãi suất trúng thầu liên tục lập đáy lịch sử tại tất cả các kì hạn.

So với cuối năm 2019, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước đã giảm trên tất cả kì hạn. Trong đó, lãi suất các kì hạn 10 năm và 15 năm giảm lần lượt 130 và 113 điểm cơ bản xuống còn 2,18%/năm và 2,51%/năm.

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước liên tục lập đáy lịch sử ở tất cả các kì hạn. (Nguồn: BVSC)
Lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước liên tục lập đáy lịch sử ở tất cả các kì hạn. (Nguồn: BVSC)

Một biến số khác cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng thừa tiền của hệ thống ngân hàng chính là tỷ giá. Theo đó, sự dồi dào thanh khoản đã khiến lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp với lãi suất cho vay VND kì hạn qua đêm chỉ dao động trong khoảng 1,8 – 1,9%/năm. Điều này làm cho chênh lệch lãi suất giữa VND và USD chỉ rơi vào khoảng hơn 1%/năm.

Với các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ, chênh lệch lãi suất chỉ hơn 1%/năm là mức bảo hiểm không đủ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế (chỉ trong vòng 10 ngày từ 9/3 đến 19/3, chỉ số USD Index đã tăng tổng cộng hơn 8%). Hay nói cách khác, đồng VND đã không còn đủ hấp dẫn so với USD.

Nguồn: SSI Research
Nguồn: SSI Research

Và thực tế, chỉ trong tuần giao dịch 16 – 20/3, VND đã mất giá tới 1,2% giá trị so với USD và tỷ giá USD/VND cũng chạm mức cao nhất kể từ 6/2019. Đặc biệt, tỷ giá tự do hiện đang cao hơn tỷ giá giao dịch trên ngân hàng tới 200 - 300 đồng/USD cho thấy tâm lí đầu cơ gia tăng mạnh.

Trước diễn biến căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, trong sáng ngày 24/3, NHNN đã giảm mạnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch 258 đồng (tương đương hơn 1%). Sự điều chỉnh này được coi như một động thái nhằm thực hiện hóa cam kết giữ bình ổn thị trường thông qua việc bán can thiệp USD với giá thấp hơn tỷ giá niêm yết được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tuyên bố vào ngày 23/3.