Khi “nhà giàu cũng khóc”
(Tài chính) Dư cung, dồi dào thanh khoản - đó là cách nói mỹ miều của người làm nghề, còn nói theo cách suồng sã thì có thể coi là ngân hàng đang “ế” vốn rất khó cho vay trong bối cảnh nền kinh tế vẫn ảm đạm.
Nhiều ngân hàng không cho vay được lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành âm 1,66% cho thấy lượng tiền giải ngân toàn hệ thống đang hết sức ì ạch; lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu và lãi suất liên ngân hàng giảm chỉ còn 7,5% so với thời cao điểm 15% thậm chí 30% khi tín dụng tăng trưởng nóng như thời năm 2011… Đây là một trong những góc kỹ thuật phơi bày một phần bộ mặt thực của ngành ngân hàng trong hai tháng đầu năm 2014.
Dư cung, dồi dào thanh khoản là cách gọi mỹ miều của hiện tượng “ế” vốn đang diễn ra ở rất nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay.
“Chúng tôi đang làm không công”
Theo chân một số chuyên viên tín dụng của các ngân hàng, chúng tôi được biết nhiều ngân hàng hiện nay đang dư cung lớn. Tiền huy động được nhiều nhưng cho vay khó khăn vì vướng mắc vào những điều kiện như: tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo. Ngành nông nghiệp đang chờ vốn, có nhu cầu vốn cao nhưng nhỏ lẻ, phân tán, rủi ro mùa vụ - dịch bệnh nên lợi nhuận không cao vì thế rất ít NHTM muốn về nông thông mà vẫn muốn bám lấy các doanh nghiệp hòng chờ qua cơn bĩ cực để trở lại thời hoàng kim. Dư cung, dồi dào thanh khoản - đó là cách nói mỹ miều của người làm nghề, còn nói theo cách suồng sã thì có thể coi là ngân hàng đang “ế” một lượng vốn rất khó cho vay trong bối cảnh khi mà nhiều ngân hàng đang ngập đầu giải quyết gánh nặng nợ xấu do phát triển nóng trước đây để lại.
Dù lãi suất huy động đã giảm nhưng lượng tiền gửi tại các NHTM vẫn tăng đáng kể trong khi đó dù đã giảm lãi suất cho vay nhưng các NHTM vẫn rất khó để cho vay. Hiện nhiều ngân hàng đã sử dụng nhiều chính sách giảm hoặc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay; bắt tay với các doanh nghiệp bất động sản để giải ngân, hoặc kết nối với hãng phân phối bán lẻ để cho vay mua sắm… nhưng vẫn không được là bao.
Gần đây, các ngân hàng đồng loạt kích cầu tiêu dùng, đầu tư bằng các gói tín dụng rất hời: Tiên Phong Bank, đang triển khai gói tín dụng 2000 tỷ đồng cho vay vốn lưu động với lãi suất chỉ có 8%/năm. Vietcombank cũng cam kết cho vay với mức lãi suất từ 5 đến 5,8%/năm với điều kiện doanh nghiệp mở tài khoản và bán ngoại tệ lại cho ngân hàng. BIDV cũng đang triển khai nhiều gói vốn giá rẻ, trong đó, từ ngày 24/2 đến ngày 31/8, ngân hàng này dành 5000 tỷ đồng cho vay cá nhân, hộ kinh doanh với mức lãi suất từ 8 đến 9,5%/năm trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng đầu tiên. BIDV cũng đang triển khai thêm gói 2000 tỷ đồng cho vay khách hàng mua nhà với lãi suất chỉ 5%/năm... Tuy nhiên, theo ghi nhận phần đông kết quả không đánh trúng được đối tượng kỳ vọng.
Rất nhiều chuyên viên tín dụng doanh nghiệp, cá nhân của các ngân hàng đang phải vật lộn đối với định mức khổng lồ mà ngân hàng giao cho mình. Tuy nhiên, giải phóng được 1/3 định mức ấy đã là điều quá mừng, khi mà cán bộ tín dụng trong thời điểm đang bị: “vắt chanh bỏ vỏ”. “Định mức cho vay tháng này hơn 170 tỷ, nửa tháng rồi dù đã đủ tìm mọi mối quan hệ, mọi cách thức để hợp pháp hóa thủ tục và giấy tờ tôi mới giải ngân được 30 tỷ. Vốn rẻ nhưng trước rủi ro về nợ xấu khiến ngân hàng giờ cũng thắt chặt các trình tự thủ tục, giấy tờ và kê khai. Doanh nghiệp cần vốn, nhưng không có tài sản thế chấp. Hãng kinh doanh nhỏ lẻ cần vốn nhưng không có tài sản giá trị đảm bảo, chúng tôi không dám cho vay”, anh NVH - Chuyên viên tín dụng của Techcombank chia sẻ.
Ám ảnh "bóng ma nợ xấu"
“Bóng ma” nợ xấu đang không chỉ là gánh nặng hiện tại mà ám ảnh trong tương lai đối với các ngân hàng. Du cung, ế vốn, muốn “nhắm mắt” hoặc “tặc lưỡi” cho những doanh nghiệp (chưa đủ điều kiện) được vay nhưng lại lo sợ quả bom nợ xấu phình to. Vòng luẩn quẩn này cứ ngày càng xoáy mạnh vào đời sống các ngân hàng và kéo theo nỗi khổ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi lãi suất huy động vào ở mức 7% lúc trước (từ 18/03 giảm xuống 6%) nhưng nhiều NHTM đã phải điều chỉnh lãi cho vay chỉ chênh 1% hoặc bằng lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng phải hạ xuống thấp hơn cả mức lãi suất huy động để mong duy trì hoạt động và gắng gượng vượt qua thời gian khó chừng nào có thể. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong những năm qua bởi nếu không cho vay mà giữ đống tiền thì đến lượt các ngân hàng là nạn nhân phải gánh chịu mức lãi suất. Và đã có nghịch lý ở một ngân hàng là càng nhiều người gửi số lượng tiền lớn, ngân hàng càng lo sợ không biết rồi đây sẽ cho vay như nào. Càng lựa chọn tìm được doanh nghiệp “sạch” để yên tâm cho vay hoặc “kén chọn” doanh nghiệp có tài sản thế chấp đảm bảo vốn vay không có rủi ro thì ngân hàng lại tự lấy dây buộc mình chặt hơn.
Gần đây, trong cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhiều lãnh đạo NHTM khẳng định họ và các nhân viên đang phải làm không công cho thị trường và doanh nghiệp khi lãi suất cho vay bằng hoặc thấp hơn cả lãi suất huy động. Nhân sự cắt giảm để tái cơ cấu, lương và các chế độ của nhân viên ngân hàng chưa bao giờ thấp như hiện nay. Ở nhiều ngân hàng, tuyển nhân viên mới mới chỉ mang tính hình thức, sinh viên ngân hàng ra trường xin việc ở các NHTM rất khó, thậm chí nếu tuyển được thì họ cho hết về bộ phận tín dụng để tận dụng mối quan hệ nhằm giải ngân lượng vốn.
Mặc dù trước bối cảnh này, có ý kiến chuyên gia ngân hàng cho rằng việc dư cung và ế vốn của các NHTM là hiện tượng chu kỳ trước bối cảnh đầu năm khi các doanh nghiệp đang bắt tay vào các hợp đồng và sản xuất. Tuy nhiên, những lo ngại là nhiều hơn khi nhiều tín hiệu không khả quan cho rằng giá vốn đắt không còn là nguyên nhân khiến lượng tồn kho “vốn” tăng cao mà chính tình hình kinh tế ảm đạm hai tháng đầu năm mới là nguyên nhân tiền khó giải ngân được như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 và 2 – tháng cao điểm chi tiêu chỉ tăng 1,24% (mức tăng thấp nhất từ năm 2009 trở lại đây và chỉ bằng 1 nửa so với cùng kỳ các năm từ 2011, 2012 và 2013); số doanh nghiệp phá sản và tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.