Khi SCIC vào cuộc

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Cánh cửa thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước lại mở rộng thêm một chút nữa, khi theo Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ được phép xem xét mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước. Việc này có thể sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, vốn là một khó khăn lớn của nền kinh tế hiện nay.

Khi SCIC vào cuộc
Việc SCIC sẽ xử lý như thế nào đối với phần vốn được chuyển giao từ doanh nghiệp nhà nước thì vẫn chưa được đề cập. Nguồn: internet

Thúc ép thoái vốn

Sau nhiều năm lao vào đầu tư ngoài ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các công ty 100% vốn nhà nước đang bị buộc phải nhanh chóng thoái vốn để tái cơ cấu doanh nghiệp. Thế nhưng, quá trình này vẫn diễn ra chậm chạp.

Việc bán đi các danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường suy giảm sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhà nước bị giảm vốn tự có, vì phải bán thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu. Do đó, tâm lý của doanh nghiệp vẫn là chờ đợi thị trường hồi phục. Thế nhưng, khả năng thị trường khởi sắc trong ngắn hạn là không thể. Và họ cũng khó có thể trông chờ một gói cứu trợ từ phía Chính phủ vì quá tốn kém.

Trong khi đó, các rào cản về cơ chế, đặc biệt là nguyên tắc bảo toàn vốn đầu tư của Nhà nước, khiến cho doanh nghiệp nhà nước xem đây là cái cớ hợp lý để thoái thác trách nhiệm thoái vốn ngoài ngành. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc thoái vốn luôn bị trì hoãn, làm kéo dài tình trạng yếu kém của khối doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và làm chậm trễ cả tiến trình xử lý nợ xấu.

Chính vì thế, các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được đề ra trong Nghị quyết 15 là phù hợp.

Điểm quan trọng trong Nghị quyết 15 có lẽ là việc cho phép doanh nghiệp nhà nước được bán lại danh mục đầu tư ngoài ngành với giá thấp hơn giá thị đầu tư ban đầu (tức giá trị sổ sách) sau khi trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định của chế độ tài chính. Điều này có nghĩa Nhà nước đã chấp nhận một khoản thua lỗ do các hoạt động đầu tư không hiệu quả.

Biện pháp này là cần thiết nhằm giúp tháo gỡ các bế tắc về mặt tài chính, nhưng lại không đồng nghĩa với việc xóa đi trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến thua lỗ của doanh nghiệp.

“Bà Đỡ” SCIC

Một điểm đáng chú ý khác trong Nghị quyết 15 là việc cho phép SCIC xem xét mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng nếu các biện pháp thoái vốn được áp dụng trước đó không thành công. Giải pháp này thống nhất với quan điểm được nêu trong một nghiên cứu về sở hữu chéo trước đây của nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Với giải pháp này, vai trò của SCIC được phát huy theo mô hình công ty mua lại vốn cổ phần ngân hàng của Nhật (Banks’ Shareholdings Purchase Corporation - BSPC). Năm 2002, BSPC được thành lập để mua lại các cổ phần ngân hàng nhằm đáp ứng các giới hạn mới về sở hữu ngân hàng theo Luật Hạn chế Sở hữu cổ phần được Nhật ban hành vào năm 2001.

Trong trường hợp của Việt Nam, sự tham gia của SCIC có thể giúp Chính phủ đạt được một số mục tiêu: giúp doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giải phóng nguồn lực bị găm giữ trong doanh nghiệp nhà nước, góp phần xử lý nợ xấu trong các ngân hàng, phát huy vai trò của SCIC với tư cách là một cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước. Nó cũng góp phần làm giảm sở hữu chéo giữa tập đoàn kinh tế nhà nước với ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, về mặt tổng thể, việc SCIC tham gia mua lại tài sản có thể làm giảm mối nguy tổn thất tài chính hay thất thoát tài sản nhà nước. Nói như vậy là vì tài sản sau khi được bán đi vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Điều này có thể khiến cho một số người nghĩ rằng việc thoái vốn ngoài ngành trong khu vực kinh tế nhà nước là không thực chất và gánh nặng thua lỗ vẫn thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, nếu cứ lo ngại nhà nước bị thua lỗ hay tài sản bị thất thoát thì cũng sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Cần hiểu rằng, SCIC chỉ là "bà đỡ", là giải pháp ngắn hạn.

Điều quan trọng là SCIC sau khi mua lại tài sản của doanh nghiệp nhà nước sẽ xử lý tiếp như thế nào. Chính SCIC cũng đang phải chịu áp lực thoái vốn mà kế hoạch từ nay đến năm 2015 sẽ là 376 doanh nghiệp. Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện, trong khi việc tiếp nhận thêm các tài sản khác được chuyển giao từ doanh nghiệp nhà nước lại càng đặt ra nhiều thách thức lớn hơn cho SCIC.

Điều đáng tiếc là việc thoái vốn tiếp theo sẽ như thế nào sau khi doanh nghiệp nhà nước chuyển giao phần vốn đầu tư ngoài ngành cho SCIC thì vẫn chưa được đề cập - như một tầm nhìn dài hạn - trong đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015 đã được phê duyệt. Đối với doanh nghiệp nhà nước, sau khi thoái vốn, nguồn tiền nên được ưu tiên dùng để thoái nợ trước khi tính đến phương án tái đầu tư.

Về phía Chính phủ, cũng nên khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách và điều chỉnh những bất hợp lý nhằm giúp doanh nghiệp sau khi thoái vốn có động cơ và điều kiện hoạt động hiệu quả hơn. Các cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn cũng cần được tiến hành triệt để và thực chất. Có như vậy mới giúp lấy lại được niềm tin của thị trường; nền kinh tế cũng sẽ có động lực để hồi phục vững chắc hơn.