Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Báo Hải quan phỏng vấn ông Tạ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Thưa ông, hiện Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ. Vậy chính sách này có ảnh hưởng đến giải ngân nguồn vốn đầu tư XDCB trong năm 2012?
Tôi cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư không bị ảnh hưởng; trái lại ngành Tài chính đã tập trung đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư đối với dự án chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng qui định.
Về phía cơ quan Kho bạc đã thực hiện tốt công tác thanh toán theo nguyên tắc "Thanh toán trước, kiểm soát sau" chủ động phối hợp với chủ đầu tư bàn biện pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vẫn thấp hơn so với năm 2011. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP do đó việc giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương có chậm hơn so với các năm trước. Đơn cử như nguồn vốn NSNN, đến ngày 18-1-2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2012, do vậy đến tháng 3-2012 các bộ, ngành, địa phương mới triển khai, phân bổ xong kế hoạch vốn 2012 cho các dự án. Đối với vốn TPCP, cuối tháng 4-2012 các bộ, ngành, địa phương mới triển khai, phân bổ kế hoạch vốn TPCP gửi KBNN và đến giữa tháng 6 vẫn đang tiếp tục phân bổ kế hoạch vốn TPCP đợt 3.
Về triển khai thực hiện: Theo qui định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg, mức vốn tạm ứng vốn tối đa của dự án là 30% của tổng mức kế hoạch vốn được giao hàng năm. Quá trình thực hiện nhiều chủ dự án cho rằng quy định này chỉ phù hợp với các gói thầu xây dựng; đối với các dự án mua sắm thiết bị NK, mua trụ sở ở nước ngoài thì chưa phù hợp bởi hầu hết nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ yêu cầu tạm ứng tiền từ 60 đến 70%, thậm chí là 100% theo hợp đồng hoặc phần vốn ngoài nước các dự án ODA, việc thanh toán không bị khống chế bởi kế hoạch vốn năm... dẫn tới khó khăn cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư.
Ngoài ra, nguyên nhân từ chính chủ đầu tư và các nhà thầu. Nhiều chủ đầu tư trong những tháng đầu năm chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa tích cực nghiệm thu khối lượng thanh toán ngay từ đầu năm, chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ. Một số nhà thầu hiện nay năng lực tài chính yếu, nợ ngân hàng lớn dẫn đến khi tạm ứng tiền của dự án về thì bị ngân hàng thu nợ, do đó đã ảnh hưởng đến việc tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi khối lượng giải ngân kế hoạch năm còn gần 60%. Vậy, ngành Tài chính, KBNN sẽ có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn XDCB nhằm hỗ trợ chủ đầu tư?
Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án sử dụng vốn NSNN, vốn TPCP vẫn thực hiện tạm ứng vốn tối đa bằng 30% so với kế hoạch được giao trong năm. Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu tạm ứng cao hơn thì KBNN thực hiện việc tạm ứng tối đa 50% giá hợp đồng trên cơ sở cho phép của người quyết định đầu tư nhưng không vượt quá kế hoạch vốn giao năm 2012 của dự án. Riêng đối với dự án vốn ODA việc tạm ứng được thực hiện theo hợp đồng và điều khoản hợp đồng đã ký kết của nhà tài trợ với Chính phủ Việt Nam, không bị hạn chế bởi kế hoạch vốn đầu năm.
Đối với vốn TPCP, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn thực hiện đối với các dự án có điều chỉnh các hạng mục nhưng không làm tăng qui mô, không làm tăng tổng mức đầu tư được duyệt; các dự án điều chỉnh các hạng mục làm tăng qui mô, tăng tổng mức đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để xử lý các vướng mắc giải ngân vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án được triển khai thực hiện sớm; thực hiện công khai số liệu giải ngân định kỳ đối với nguồn vốn đầu tư XDCB NSNN và vốn TPCP qua đó cung cấp số liệu để các bộ, ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2012.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong công tác vốn đầu tư như: Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục thanh toán vốn đầu tư. Mới đây, KBNN đã ban hành Quy trình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư; giải ngân nhanh nguồn vốn. Đặc biệt, KBNN đã lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư liên quan đến giải ngân nguồn vốn.
Xin cảm ơn ông!