Kho bạc Nhà nước điều hành ngân quỹ nhà nước minh bạch, hiệu quả
Ngày 14/7/2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tham dự hội nghị.
Tập trung nhanh các khoản thu, thanh toán kịp thời cho phòng, chống dịch Covid-19
Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song toàn hệ thống KBNN đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng bộ triển khai các giải pháp; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến; Tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách.
Thống kê đến hết ngày 30/6/2021, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong cân đối đạt 779.482 tỷ đồng, bằng 58,03 % so với dự toán năm 2021, trong đó: Thu nội địa trong cân đối (không tính dầu thô) đạt 637.786 tỷ đồng, đạt 56,27% so với dự toán; Thu từ dầu thô đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,71% so với dự toán; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 122.405 tỷ đồng, bằng 68,57% so với dự toán (bao gồm dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng).
Cùng với đó, hệ thống KBNN tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo; Ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định. Tính đến ngày 30/6/2021, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát khoảng 419.008 tỷ đồng, bằng 39,4% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN.
Đặc biệt, hệ thống KBNN cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 30/6/2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kiểm soát qua KBNN là 150.098,8 tỷ đồng, bằng 29,8% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (503.854,6 tỷ đồng).
Bà Trần Thị Huệ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống KBNN cũng đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ xây dựng và triển khai phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) năm 2021 và quý I, II/2021 theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kỹ thuật để triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) của KBNN theo quy định.
“Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, tồn NQNN cao, KBNN đã thực hiện điều chỉnh khối lượng phát hành TPCP cơ bản đáp ứng nguồn thanh toán nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương. Tính đến ngày 30/6/2021, KBNN đã huy động được 141.493 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch năm Bộ giao (350.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 12,19 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,26%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 8,82 năm”, bà Trần Thị Huệ thông tin.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn tiền, tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý cũng được toàn hệ thống tăng cường bằng nhiều biện pháp cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất tại từng đơn vị; Quán triệt và cảnh báo những rủi ro về nghiệp vụ cho công chức KBNN trong lĩnh vực kế toán, thanh toán và kiểm soát chi; Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để phòng ngừa rủi ro… Qua đó, góp phần quan trọng cùng ngành Tài chính thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đẩy mạnh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm hệ thống KBNN cần đẩy mạnh trong những tháng cuối năm, cụ thể:
Một là, tăng cường công tác quản lý ngân quỹ, kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả phòng chống rủi ro với NSNN. Trọng tâm của nhiệm vụ này là tăng cường quản lý NQNN với 2 nghiệp vụ chính: (i) Xác định rõ việc huy động TPCP từ nay trở đi dành cho bù đắp bội chi và cho trả nợ với nguyên tắc đảm bảo phát hành trái phiếu đầy đủ kịp thời để trả các khoản nợ trong nước và ngoài nước được Quốc hội giao đầy đủ, kịp thời; (ii) Chỉ phát hành TPCP bù đắp bội chi căn cứ vào nghiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ giải ngân vốn.
“KBNN khẩn trương xây dựng quy chế, chế độ trách nhiệm, quy trình nghiệp vụ ngay trong tháng 8/2021 để triển khai thực hiện đấu giá TPCP theo phương thức đơn giản và đa dạng từ tháng 9/2021”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, hệ thống KBNN tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm sau:
(i) Xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách theo đúng kế hoạch của Bộ Tài chính;
(ii) Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không” (không giao dịch tiền mặt, không khách hàng giao dịch, không chứng từ);
(iii) Tiếp tục quản lý Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng cũng yêu cầu KBNN chấn chỉnh những tồn tại thách thức, tồn tại của các quỹ nhà nước ngoài ngân sách. Để thực hiện nhiệm vụ này, KBNN cần sớm trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ xây dựng nghị định quy định nguyên tắc, yêu cầu các nội dung cơ bản về thẩm quyền quyết định việc thu chi các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện cải cách hiện đại hoá. Theo đó, toàn hệ thống KBNN phải tăng cường hiện đại hoá thủ tục hành chính trong các quy trình nghiệp vụ, tránh gây phiền hà cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN hiện nay dưới 1%. So với tổng thu NSNN thì con số này khá lớn, do vậy, thời gian tới, KBNN cần nghiên cứu đề án về không sử dụng tiền mặt. Đồng thời, tiếp tục tìm các giải pháp phối hợp thu nhằm tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, hoàn thành cao nhất dự toán NSNN năm 2021; cùng với đó tham mưu với các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch.
Ba là, tìm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ huy động vốn và tổ chức điều hành NQNN đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ công.
Bốn là, KBNN cần sớm hoàn thiện, trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 để làm cơ sở cho việc định hướng, phát triển hệ thống KBNN trong giai đoạn tới.
Ngoài nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm hệ thống KBNN cần tập trung triển khai trong những tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng yêu cầu: KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không”. "Những nhiệm vụ trên phải được cụ thể hoá bằng chỉ thị rõ ràng về mục tiêu, quan điểm, giải pháp, yêu cầu" - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021, hệ thống KBNN sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách theo đúng kế hoạch của Bộ Tài chính; Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không” (không giao dịch tiền mặt, không khách hàng giao dịch, không chứng từ). Đặc biệt, tiếp tục quản lý Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, KBNN cùng với Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 đã chủ động phối hợp, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ; Thực hiện công khai số tài khoản tiếp nhận ủng hộ, số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tiếp nhận các khoản ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc ủng hộ, xác nhận ủng hộ; Cập nhật kịp thời về số tiền và danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ để báo cáo các cấp Lãnh đạo và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trang thông tin điện tử riêng cho Quỹ để thông tin kịp thời về các hoạt động của Quỹ đến người dân. Ngoài ra, Ban quản lý quỹ còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch chi từ Quỹ để chủ động triển khai nhiệm vụ gửi tiền có kỳ hạn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ.