Kho bạc Nhà nước khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030

Mai Anh

Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Các ý kiến tham gia tại Hội nghị sẽ được Tổ soạn thảo tiếp thu, chọn lọc nội dung phù hợp, để sớm hoàn thiện dự thảo trình Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030.
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030.

KBNN đang khẩn trương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu là xây dựng KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ và hướng tới hình thành kho bạc số trên cơ sở nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm thiểu chi phí giao dịch, tự động hóa quy trình giao dịch (hồ sơ điện tử, kiểm soát điện tử)... Đến năm 2030, mọi giao dịch được số hóa và hệ thống ghi nhận được toàn bộ của quy trình với cơ chế kiểm soát điện tử đã thiết lập sẵn trong hệ thống.

Tại Hội nghị, thay mặt Thường trực Tổ Chiến lược ông Lưu Hoàng - Cục Trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ trình bày các nội dung chính, cơ bản của dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Theo đó, dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn hiện đại hóa các chức năng của Kho bạc với đổi mới mô hình tổ chức KBNN, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới. Đồng thời, lấy công nghệ thông tin (CNTT) là khâu đột phá, trong đó chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện.

Dự thảo Chiến lược của KBNN cũng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt như sau: Cải cách đổi mới cơ chế, chính sách đồng bộ toàn diện gắn với hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ; Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và trọng tâm là xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT giai đoạn 2021-2030 phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Đồng thời, chú trọng hiện đại hóa chiến lược phát triển KBNN trên các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gồm: Quản lý quỹ NSNN; huy động vốn; quản lý ngân quỹ; Tổng kế toán nhà nước và báo cáo tài chính; ứng dụng CNTT; tổ chức bộ máy và phát triển nhân lực…

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị nghiệp vụ, chuyên môn thuộc cơ quan KBNN đã tích cực tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến. Cụ thể, về quản lý Quỹ NSNN, phân hệ quản lý Quỹ NSNN, sẽ hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về thu NSNN cung cấp thông tin cho người nộp, các cơ quan quản lý và kết nối dữ liệu điện tử trực tuyến thời gian thực với hệ thống ngân hàng, hệ thống cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; Kết nối với phân hệ sổ cái kế toán nhà nước nhằm hạch toán kịp thời nhanh chóng nội dung kế toán thu NSNN…

Về chi NSNN, phân hệ cho phép kết nối liên thông với phần quản lý kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, thực hiện cam kết chi NSNN từ đó kiểm soát chi điện tử và kế toán chi NSNN.

Về lĩnh vực kế toán nhà nước, kết nối tích hợp với cổng dịch vụ kế toán nhà nước các dữ liệu điện tử theo kế toán đồ chung giữa đơn vị và KBNN hoặc thực hiện kế toán trực tuyến trên cổng dịch vụ kế toán nhà nước do KBNN cung cấp… Về kiến trúc tổng thể CNTT, sẽ gồm: Kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc an toàn thông tin…

Ghi nhận và đánh giá cao những nội dung chia sẻ, đóng góp của các đơn vị nghiệp vụ, chuyên môn vào dự thảo Chiến lược; nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân yêu cầu Tổ Chiến lược tiếp thu, lựa chọn nội dung phù hợp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.