Kho bạc Nhà nước: Khẳng định vai trò Tổng kế toán nhà nước
Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong triển khai chức năng Tổng kế toán nhà nước, đóng góp trực tiếp vào công cuộc thực hiện minh bạch hóa tình hình tài chính - ngân sách quốc gia.
Từ thực hiện kế toán nghiệp vụ Kho bạc
Mục tiêu của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 là: Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: Quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ chính phủ; tổng kế toán nhà nước nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước...
Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, KBNN đã thường xuyên tiến hành cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy của KBNN, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới, trong đó có lĩnh vực kế toán nghiệp vụ quy định tại Quyết định số 26/2015/QĐ - TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau gần 4 năm thực hiện Quyết định số 26/2015/QĐ - TTg, kế toán nghiệp vụ KBNN đã đạt được những kết quả bước đầu và khẳng định là nền tảng quan trọng trong việc thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước mà KBNN đang được giao thực hiện. KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài hệ thống KBNN trao đổi, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN), làm cơ sở quan trọng để KBNN lập BCTCNN sau này.
Bên cạnh đó, KBNN cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để soạn thảo dự thảo thông tư hướng dẫn cũng như khẩn trương chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, hậu cần khác để đảm bảo cho việc lập BCTCNN đầu tiên theo số liệu tài chính năm 2018 theo quy định của Luật Kế toán năm 2015.
Cùng với việc triển khai nghiệp vụ kế toán, KBNN đã có nhiều cải cách và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai thanh toán liên kho bạc tích hợp với Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh toán trong nội bộ của hệ thống. Thí điểm triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Đây chính là bước cải cách quan trọng của hệ thống KBNN trong công tác kế toán, thanh toán và kiểm soát chi khi lần đầu tiên áp dụng phương thức giao dịch điện tử.
Đến lập báo cáo tài chính nhà nước
Ngày 20/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Kế toán số 88/2015/QH13 (thay thế Luật Kế toán năm 2013). Theo đó, việc lập BCTCNN và các nội dung liên quan được quy định tại luật này.
Để cụ thể hóa các quy định về BCTCNN trong Luật Kế toán 2015, đồng thời triển khai thực hiện Đề án “Tổng Kế toán nhà nước” đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1188/QĐ-BTC ngày 30/5/2014, KBNN đã phối hợp với Cục Quản lý Giám sát Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) và các đơn vị liên quan, tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ hướng dẫn về BCTCNN. Nghị định này quy định các nội dung cơ bản, làm căn cứ pháp lý để Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai các công việc tiếp theo. Theo đó, BCTCNN đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính năm 2018 và sẽ được công bố cùng Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018.
Hướng dẫn các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện lập BCTCNN theo Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 99/2018/TT-BTC. Theo đó, Thông tư hướng dẫn lập BCTCNN về nội dung, nguồn số liệu các chỉ tiêu cụ thể trên các BCTCNN; quy định trình tự các bước tổng hợp, lập BCTCNN; các giao dịch nội bộ cần loại trừ; quy định trách nhiệm của các đơn vị lập, đơn vị cung cấp thông tin, đơn vị kiểm tra BCTCNN…
Trên cơ sở đó, KBNN thực hiện lập BCTCNN trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Vì vậy, để thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước, KBNN phải tổ chức triển khai lập BCTCNN từ cấp chính quyền địa phương đến Trung ương và tổng hợp báo cáo ở cấp độ quốc gia. Đồng thời, KBNN đã và đang tích cực triển khai các hoạt động như: Xây dựng khung pháp lý, kiện toàn tổ chức bộ máy, thiết kế, xây dựng bộ hệ thống thông tin. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng tài liệu đào tạo, thiết kế quy trình nghiệp vụ trên hệ thống thông tin đảm bảo cho việc KBNN triển khai thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước từ năm 2019 theo Luật Kế toán năm 2015.
Thí điểm triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Đây chính là bước cải cách quan trọng của hệ thống KBNN trong công tác kế toán, thanh toán và kiểm soát chi khi lần đầu tiên áp dụng phương thức giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, Việt Nam có đặc thù NSNN lồng ghép nên việc tổ chức lập BCTCNN sẽ được thực hiện tổng hợp từ BCTC của các đơn vị kế toán trong khu vực nhà nước và quy trình tổng hợp BCTCNN sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thực tế công tác kế toán và lập báo cáo tài chính theo hướng dẫn tại các chế độ kế toán. Trong khi đó, về thời điểm áp dụng Thông tư số 99/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 để tổng hợp số liệu năm 2018 đã gây ra áp lực không nhỏ cho các bộ, ngành khi năm 2018 là năm đầu tiên các đơn vị cấp cơ sở thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư số 107/2017/TT- BTC…
Để khắc phục những hạn chế trên, các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát khuôn khổ pháp lý để từng bước giải quyết kịp thời những phát sinh trong quá trình triển khai lập BCTCNN, vì đây là một nội dung mới phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng triển khai tại Việt Nam. Thêm nữa, thông tin về BCTCNN có phạm vi rộng, chủ yếu được tổng hợp từ các đơn vị, trong khi đó, với thực trạng công tác kế toán tại các đơn vị còn hạn chế thì các thông tin đầu vào từ các đơn vị cũng cần có thời gian tổ chức thực hiện thích hợp mới có thể hoàn thiện để đảm bảo cung cấp cho KBNN.
Từ thực tế trên, việc tổ chức triển khai BCTCNN nên có lộ trình thực hiện phù hợp từng bước thiết kế, đưa các thông tin vào báo cáo theo giai đoạn. Trong đó, nên ưu tiên những đơn vị đã áp dụng kế toán dồn tích và lập đầy đủ 4 BCTC (báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh BCTC), hoặc các đơn vị có giá trị lớn (xét trên khía cạnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí…) để thực hiện tổng hợp trước. Với các đối tượng hiện nay đang áp dụng theo các chế độ kế toán khác có thể thực hiện tổng hợp từng bước, theo từng giai đoạn. Sau khi triển khai thành công và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, sẽ thực hiện tổng hợp đầy đủ thông tin về tài sản, nguồn vốn, kết quả hoạt động… của các doanh nghiệp theo quy định của chuẩn mực kế toán.