Kho bạc Nhà nước liên thông các ứng dụng nghiệp vụ
Cùng với việc tích hợp, liên thông các ứng dụng nghiệp vụ trong toàn hệ thống, hiện nay Kho bạc Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để tiếp tục nâng cấp các dịch vụ công còn lại lên mức độ 4 vào cuối năm 2021.
Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ, tự động hóa tối đa các bước xử lý
Thời gian qua, hướng theo xu thế hội nhập và phát triển, Kho bạc Nhà nước đã tập trung đánh giá, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, cải cách hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ nhằm tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng nghiệp vụ. Từ đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách, cũng như giảm áp lực cho cán bộ, công chức Kho bạc trong thực thi nhiệm vụ.
Ngày ngày 15/11/2021 vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã chính thức thực hiện liên thông, tích hợp các ứng dụng, các quy trình nghiệp vụ (gồm: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, Thanh toán song phương điện tử) với Cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước.
Ngày ngày 15/11/2021 vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã chính thức thực hiện liên thông, tích hợp các ứng dụng, các quy trình nghiệp vụ (gồm: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, Thanh toán song phương điện tử) với Cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước.
So với quy trình xử lý thủ công trước đây, quy trình liên thông này đã tự động tối đa hoá các bước xử lý nghiệp vụ. Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến Kho bạc Nhà nước trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại sẽ được xử lý đồng thời và nhanh chóng.
Cụ thể, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin; kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị Kho bạc ký duyệt trên chương trình Dịch vụ công trực tuyến, khi đó chứng từ sẽ tự động liên kết sang giao diện Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, thanh toán song phương điện tử và ngân hàng thương mại…
Theo Kho bạc Nhà nước, qua triển khai thí điểm tại một số Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố cho thấy, việc triển khai diện rộng quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ là cần thiết. Việc liên thông này giúp tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách; cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước giúp Chính phủ, Bộ Tài chính có đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tích hợp, liên thông các ứng dụng nghiệp vụ cũng giúp giảm áp lực công việc cho công chức kiểm soát chi; đồng thời, đảm bảo cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng, hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra.
Tiếp tục nâng cấp các dịch vụ công còn lại lên mức độ 4
Theo đánh giá từ Kho bạc Nhà nước, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã hình thành thêm kênh giao dịch điện tử của Kho bạc Nhà nước, đây là một bước tiến lớn trong việc hình thành kho bạc điện tử.
Giao dịch điện tử của Kho bạc Nhà nước đã góp phần tăng tính minh bạch trong cung cấp các thông tin liên quan về thủ tục hành chính, dữ liệu cũng như tiến độ giải quyết xử lý hồ sơ… lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị làm trung tâm phục vụ; tăng khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, đáp ứng được các chủ trương định hướng chiến lược, chuyên môn nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống chính phủ điện tử.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước đã giúp đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, tăng khả năng truy cập, liên thông khai thác thông tin dịch vụ; đồng thời, tăng hiệu năng giải quyết công việc thông qua dịch vụ công trực tuyến và ngày càng mở rộng liên thông các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Hiện nay, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành triển khai và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tới các đơn vị sử dụng ngân sách trên phạm vi toàn quốc. Kho bạc Nhà nước cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ để tích hợp dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước lên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, để đạt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cấp thêm 2 dịch vụ công đang ở mức độ 2, 3 lên mức độ 4 vào cuối năm 2021. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước nghiên cứu cơ chế nghiệp vụ và triển khai liên thông dữ liệu hợp đồng điện tử và hồ sơ chi ngân sách nhà nước giữa dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước với mạng đấu thầu quốc gia.
(*) Nguyễn Vân Anh
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2021.