Kho bạc Nhà nước: Liên thông các ứng dụng để phục vụ tốt hơn

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Trong nỗ lực nhằm phục vụ tốt hơn các đơn vị sử dụng ngân sách và bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống dịch vụ công trực tuyến của kho bạc.

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Đức Minh
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Đức Minh

Tự động hóa tối đa

Cụ thể, từ ngày 15/11, KBNN đã thực hiện liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ gồm: dịch vụ công trực tuyến - TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) - thanh toán song phương điện tử nhằm mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên các ứng dụng, thuận tiện cho người sử dụng, các đơn vị giao dịch và KBNN.

Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên dịch vụ công trực tuyến để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình dịch vụ công trực tuyến thì chứng từ được tự động liên kết sang giao diện TABMIS, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang ngân hàng mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.  

Việc liên thông này đã giúp giảm áp lực công việc cho công chức kiểm soát chi; đồng thời bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra.

Trước đó, KBNN đã triển khai thí điểm quy trình liên thông tại một số KBNN tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy hiệu quả và tính thiết thực của việc triển khai diện rộng quy trình liên thông 3 ứng dụng. Quy trình liên thông không chỉ làm hài lòng các đơn vị sử dụng ngân sách mà còn là một bước tiến quan trọng trong quá trình hình thành kho bạc điện tử, kho bạc số. Đồng thời, cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách qua KBNN, giúp Chính phủ, Bộ Tài chính có đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

Để triển khai diện rộng thành công quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ, KBNN đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống, nhằm bảo đảm vận hành quy trình liên thông suôn sẻ.

Phục vụ tốt hơn

Kể từ khi hoàn thành dự án TABMIS vào năm 2012, đến nay KBNN đã cơ bản hình thành kho bạc điện tử và đang xây dựng kế hoạch hình thành kho bạc số.

Hiện tại, KBNN duy trì 4 hệ thống công nghệ thông tin về quản lý ngân sách. Hệ thống TABMIS giúp kiểm soát chi theo dự toán, tồn quỹ và cam kết chi. Hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN giúp kiểm soát chi dự án theo kế hoạch trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, tổng mức đầu tư dự án, theo hạng mục, hợp đồng, cam kết chi.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận hồ sơ và chứng từ chi điện tử từ đơn vị sử dụng ngân sách đạt 100% đơn vị và 99,5% chứng từ chi ngân sách đi qua kênh điện tử. Hệ thống thanh toán điện tử tập trung gồm thanh toán điện tử song phương với ngân hàng thương mại, thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước góp phần nâng cao khả năng quản lý ngân quỹ.

Mục tiêu của KBNN là liên thông các hệ thống trên để cán bộ kho bạc chỉ phải tác nghiệp ở hệ thống nguồn là dịch vụ công trực tuyến. Trước khi chính thức liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ kể trên, KBNN đã vận hành trước liên thông hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến về dữ liệu yêu cầu chi ngân sách tại Hà Nội và tới đây sẽ mở rộng.

Khi hoàn thành các công việc này, KBNN sẽ có hệ thống thông suốt kết nối từ các ứng dụng kế toán tài chính của đơn vị sử dụng ngân sách đi qua hệ thống kiểm soát chi và kế toán ngân sách của KBNN tới khi thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

Trên nền tảng những kết quả đạt được trong việc xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ 4 chức năng của KBNN và cung cấp dịch vụ điện tử cho các đơn vị giao dịch, dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống kho bạc đều được số hóa. Kho bạc số sẽ giúp hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ thủ công, giảm thiểu thời gian xử lý và đặc biệt sẽ cải thiện năng suất và hiệu quả công việc tại kho bạc.

Các đơn vị trong hệ thống kho bạc sẽ không còn hồ sơ bằng giấy và công chức kho bạc không còn phải thực hiện các bước kiểm soát, thanh toán vốn theo phương thức thủ công… Việc quản lý, thu thập, kiểm soát và lưu trữ tài liệu cũng sẽ được tối ưu hóa, bảo đảm tính khả dụng của thông tin cho người sử dụng cuối, kể cả khả năng phục hồi thảm họa.