Kho bạc Nhà nước triển khai quy trình kiểm soát mới, điều tiết kịp thời các khoản chi ngân sách
Tính đến hết ngày 29/2, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 150.600 tỷ đồng chi thường xuyên và 32.051,2 tỷ đồng chi đầu tư phát triển. Bám sát chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiểm soát, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản chi ngân sách, đặc biệt là các khoản chi phục vụ an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh…
Thực hiện quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước mới
Thời gian qua, trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã xây dựng và triển khai quy trình kiểm soát cam kết chi qua KBNN, đảm bảo các khoản chi NSNN được thực hiện đúng thẩm quyền và trong phạm vi nguồn lực được phân bổ, góp phần nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính và ngăn chặn nợ đọng.
Cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN đã được hoàn thiện theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư từ 7 ngày xuống còn 1 - 3 ngày làm việc; bước đầu thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro căn cứ vào giá trị của khoản chi; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; thực hiện quy trình kiểm soát chi một cửa...
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý ngân sách, ngày từ đầu năm 2020, KBNN đã chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai quy trình kiểm soát chi mới đối với mô hình KBNN cấp tỉnh theo hướng chuyên sâu, rõ trách nhiệm, đơn giản hóa các bước trong quy trình nghiệp vụ. Theo đó, dự kiến sẽ thực hiện tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ gắn với việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, KBNN sẽ triển khai các giải pháp nhằm cải cách công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), như: phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan triển khai thu ngân sách qua mã ID; thí điểm trao đổi thông tin thu phí, lệ phí dịch vụ công tại các trung tâm hành chính công và cổng thông tin dịch vụ công điện tử của các địa phương; mở rộng tài khoản chuyên thu tại 4 hệ thống ngân hàng thương mại (Seabank, Techcombank, VPBank, SHBank).
Ngoài ra, KBNN tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp huyện (trừ các giao dịch bằng tiền mặt theo chế độ quy định và các giao dịch của các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng); đẩy mạnh triển khai ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN.
Đồng thời, nâng cấp thuê dịch vụ chương trình kiểm soát vốn đầu tư gắn với chương trình ứng dụng tổng hợp báo cáo vốn đầu tư; nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của KBNN nhằm kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa KBNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án lưu trữ hồ sơ trên dịch vụ công…
Tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong quản lý ngân sách nhà nước
Vừa kiểm soát chặt chẽ, vừa đảm bảo thông thoáng, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản chi ngân sách là một trong những nguyên tắc được hệ thống KBNN thực hiện từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cho thấy, quá trình kiểm soát chi ngân sách, vẫn còn có một số vướng mắc về cơ chế chính sách. Một số quy định chưa rõ ràng, còn chồng chéo, gây khó khăn trong thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư và KBNN các cấp trong quá trình kiểm soát thanh toán. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (qua dịch vụ công) trong việc gửi bảng thanh toán cho người thụ hưởng chưa được triển khai. Một số địa phương cũng chưa phổ biến, quán triệt cho cán bộ kiểm soát chi về mục tiêu, ý nghĩa công tác kiểm soát chi lương trong phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong quản lý NSNN.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, gặp vướng mắc trong kiểm soát chi kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án để hoàn trả vốn cho Quỹ phát triển đất. Hiện nay các KBNN gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án để hoàn trả vốn cho Quỹ phát triển đất, trước đây đã ứng vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh để thực hiện thi công xây dựng các công trình san tạo mặt bằng, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, số tiền sau bán đấu giá đã nộp hết vào ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, việc giao kế hoạch vốn đầu tư và bố trí vốn đầu tư công sau khi dự án đã được thanh toán là chưa đúng quy định Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13...
Để thực hiện kiểm soát tốt thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020, KBNN đề nghị kho bạc tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng, bộ phận kiểm soát chi tại các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát chi vốn đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật NSNN, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Việc kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn theo quy định tại Luật Đầu tư công.