Khó khăn tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam

Theo Phan Vũ/ndh.vn

Cơ sở hạ tầng, quy trình thanh tra, giám sát và tuyên truyền, phổ biến quy định cho ngư dân là những khó khăn mà các tỉnh ven biển gặp phải trong nỗ lực nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Việc quản lý nghề cá bằng cấp hạn ngạch khai thác là nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng khai thác hủy diện như hiện nay. Nguồn: Internet
Việc quản lý nghề cá bằng cấp hạn ngạch khai thác là nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng khai thác hủy diện như hiện nay. Nguồn: Internet

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng UBND 7 tỉnh ven biển vừa tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017 và bàn bạc, thúc đẩy một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định từ hạ tầng đến quy trình thanh tra, giám sát còn nhiều điểm phải điều chỉnh để có thể tạo ra thay đổi khi EC sang kiểm tra lại vào tháng 1/2019. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, khó khăn lớn nhất tuyên truyền quy định đến ngư dân vì thời gian ngư dân ở trên bờ khá ngắn ngủi. “Việc phổ biến quy định trong vòng 1 tháng là rất khó”, ông Dũng nói.

Theo Bộ Nông nghiệp, có việc cần thiết phải làm trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Việc thứ nhất là hoàn thiện khuôn khổ bộ máy cơ quan quản lý theo tinh thần mới. Việc thứ 2 là hoàn thiện thiết chế hạ tầng và đây là một nội dung quan trọng để thực hiện được chiến lược phát triển bền vững. Việc cần làm thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Kiên Giang và Bình Định là hai tỉnh có số lượng tàu lớn nhiều nhất cả nước và cũng là có số tàu vi phạm khai thác ngoài vùng biển VN nhiều. Nếu làm đột phá được hai tỉnh này theo hướng khai thác bền vững có trách nhiệm cộng với nuôi trồng đúng tiềm năng, sản xuất theo chuỗi thì chúng ta có động cơ để thúc đẩy nhanh việc xây dựng ngành thủy sản theo hướng bền vững.”

Bộ Nông nghiệp cũng đề xuất sau Kiên Giang và Bình Định, Quảng Ninh sẽ là địa phương tiếp tục làm điểm và chỉ đạo điểm trong triển khai Luật thủy sản và chống khai thác IUU.

“Hiện nay, Bộ đang tích cực cùng 3 địa phương xây dựng kế hoạch một cách căn cơ, bài bản bao gồm từ biện pháp hoàn thiện công tác tổ chức quản lý nhà nước cho đến các thiết chế hạ tầng giải pháp đồng bộ”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Theo Bộ Nông nghiệp, đây là giai đoạn chạy nước rút. Bộ sẽ sớm triển khai dự án thông tin giai đoạn 2 để có nguồn vốn bổ sung cho các tỉnh tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá kết nối với trung tâm điều hành của Tổng cục Thủy sản.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng là nhiệm vụ mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững.

Cấp hạn ngạch khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Cũng tại Hội nghị công tác thống kê thủy sản do Bộ Nông nghiệp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sẽ cấp hạn ngạch khai thác thủy sản. Theo ông Tám, việc quản lý nghề cá bằng cấp hạn ngạch khai thác là nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng khai thác hủy diệt như hiện nay.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ quản lý số lượng tàu cá, việc đóng mới tàu cá, cấp hạn ngạch khai thác đối với từng loài hải sản. Một số loài sản lượng lớn như cá ngừ đại dương sẽ quản lý theo hạn ngạch, còn loài cá kết đàn như cá cơm sẽ thí điểm quản lý cường lực khai thác.

Trước mắt năm 2019, Bộ sẽ ưu tiên điều tra về tàu thuyền bao gồm số lượng và cơ cấu các loại thuyền đánh bắt hải sản, đăng ký, đăng kiểm, mức độ trang thiết bị…, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.