Khó kiếm lợi nhuận ngắn hạn!

Lê Thuận - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) đón nhận rất nhiều tin tốt như kinh tế tăng trưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tích cực mua vào và không có thông tin gì quá tiêu cực, nhưng nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn giảm sàn…

Việc mua bắt đáy vẫn còn trong vùng nguy hiểm. Nguồn: internet
Việc mua bắt đáy vẫn còn trong vùng nguy hiểm. Nguồn: internet

Vào đầu phiên, thị trường có dấu hiệu kéo lên những cổ phiếu lớn, nhưng dòng tiền vẫn đứng bên ngoài quan sát, nên không thể duy trì đà tăng. Bên bán mất kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu nên bắt đầu xả hàng đẩy thị trường giảm điểm mạnh.

Hiên tại, do tâm lý ngại giao dịch nên rất khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với những NĐT trung và dài hạn, đây lại là cơ hội để gom hàng khi giá cổ phiếu trở về mức thấp. Các tín hiệu lạc quan của nền kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các danh nghiệp (DN) trên sàn khá ổn định.

Tháo chạy khỏi đầu cơ

NĐT được khuyến nghị tích lũy cổ phiếu cơ bản tốt. Sau những phiên giao dịch biến động mạnh, thị trường đang tìm điểm cân bằng, nên giao dịch khá trầm lắng. Các mã đã giảm sâu có một vài phiên bật tăng trở lại nhưng áp lực chốt lời xuất hiện khiến cổ phiếu khó tăng cao.

Thị trường bước vào giai đoạn giao dịch chậm lại, khiến sự thận trọng được đẩy lên mức cao, dẫn tới nhịp điều chỉnh mạnh mẽ của các cổ phiếu đầu cơ. Áp lực bán của những cổ phiếu đầu cơ rất mạnh làm NĐT tháo chạy bằng mọi giá.

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy vẫn túc tắc mua vào chứ không vội vã đẩy giá lên cao. Cuối cùng, bên bán đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường, khiến nhiều NĐT thua lỗ nặng.

Thị trường tiếp tục duy trì sự chậm rãi với dòng tiền ít ỏi để tìm kiếm cơ hội trên thị trường. Các cổ phiếu lớn đã ngừng rơi đột ngột, nhưng nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn chưa thể cầm máu được. Cho nên, việc mua bắt đáy vẫn còn trong vùng nguy hiểm.

Trong bối cảnh thị trường suy yếu, cổ phiếu đầu cơ tăng nóng phải chịu thất bại nặng nề nhất khi dòng tiền đổ vào đây liên tục bị cắt lỗ, giải chấp gây thiệt hại lớn cho NĐT.

Tất cả những cổ phiếu bị “làm giá” tăng vài chục phần trăm đã phải quay trở về vạch xuất phát, thậm chí là dưới mức trước khi tăng rất xa. Các kỹ thuật mua bán, sang tay, chốt lời của NĐT lớn để tạo ra thanh khoản hàng chục triệu cổ phiếu/phiên thì vẫn phải chấp nhận thất bại cay đắng.

Các chiêu trò đẩy giá tăng cao trong bối cảnh thị trường sụt giảm vẫn còn được sử dụng nhưng vẫn không khả thi, nên đành phải chấp nhận nương theo sự tăng giảm của thị trường.

Đặc biệt, việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh thị trường giảm điểm, đi ngang, hay giằng co là vô cùng bất lợi, thậm chí là thua lỗ nhanh chóng hơn. Ai mà sử dụng vốn vay để bắt đáy thì tài sản bốc hơi càng nhanh, khó có thể gỡ gạc lại được, nhiều người đành phải chấp nhận dừng cuộc chơi.

Trở lại hoạt động thực tế của DN, lợi nhuận không thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra, nên giá cổ phiếu sụt giảm mạnh cũng là điều khó tránh khỏi. Bởi trong ngắn hạn, thị trường giao dịch khá tiêu cực khi những cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường như GAS, PVD, PVT, SSI, HCM, BVH hay STB… đều giảm rất mạnh và không thể cứu nổi chính mình. Cho nên, việc chọn cổ phiếu để sinh lợi ngắn hạn trong giai đoạn này rất thấp.

Hiện tượng FLC

Trong phiêm giao dịch chiều 29/12, một cổ phiếu đầu cơ nổi bật trên sàn là FLC lại gây ấn tượng mạnh cho NĐT vào đợt cuối phiên. Mặc dù đang giao dịch sát mức giá sàn, nhưng chỉ trong vài chục phút cuối phiên, lệnh mua đổ vào hệ thống giao dịch rất mạnh đã kéo FLC lên thẳng giá trần. Từ đó, thanh khoản cũng tăng vọt với gần 18,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Quan sát trên thị trường, dòng tiền đầu cơ đã bán xả hàng và rút ra khỏi rất nhiều cổ phiếu trên diện rộng. Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến các mã có tính đầu cơ gây ra tâm lý hoảng loạn.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn còn đâu đó ngoài thị trường, nên trước áp lực giá sàn, NĐT cũng bắt đầu mua vào trở lại. Đặc biệt là lực mua tăng mạnh giúp nhiều mã cổ phiếu thoát mức sàn. Cổ phiếu FLC đã tạo ra “cú sốc” tinh thần cho thị trường khi lượng tiền lớn được đổ vào đây.

Một cổ phiếu đầu cơ khác hoạt động trong lĩnh vực BĐS là HAR của Công ty CP Đầu tư Thương mại BĐS An Dương Thảo Điền. Công ty này vừa ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án phát hành 54.599.813 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ phát hành 1:1, giá 10,000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.092 tỷ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến vào quý I hoặc II/2015. Sau khi thông tin trên được chính thức công bố, cổ phiếu này đã bị bán sàn nhiều phiên liên tiếp. Điều đó báo hiệu sự khó khăn cho cổ đông nắm giữ cổ phiếu này mặc dù các dự án huy động vốn là rất tiềm năng, nhưng vẫn chịu sự giảm giá nghiêm trọng.

Như vậy, NĐT thông minh đã rút ra khỏi những cổ phiếu tăng vốn quá nhanh khiến cho lợi nhuận khó có thể bù đắp kịp thời. Cho nên, họ lo ngại đợt phát hành khó thành công khi thị giá cổ phiếu HAR đang thấp hơn mệnh giá và hoạt động kinh doanh không đạt chỉ tiêu đề ra.

Các chuyên gia khuyên NĐT chỉ nên mua vào cổ phiếu đang có trạng thái xu hướng tăng với giá mua thấp. Theo dự báo, áp lực bán cổ phiếu vẫn còn rất lớn sẽ tác động tiêu cực đến thị trường.

Nếu như các cổ phiếu lớn khác không tăng để cân bằng thì thị trường sẽ giảm điểm. NĐT có nhu cầu mua đầu tư có thể tận dụng điều này để mua trở lại những cổ phiếu giảm mạnh để đầu tư dài hạn.