Khó xác định tình trạng mất khả năng thanh toán

Theo Nguyễn Ngân/daibieunhandan.vn

Điểm đáng chú ý trong Luật Phá sản năm 2014 là đã phân biệt giữa hai khái niệm “mất khả năng thanh toán” và “phá sản”. Tuy nhiên, việc chưa quy định cụ thể về căn cứ xác định tình trạng mất khả năng thanh toán đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Khều
Ảnh minh họa. Nguồn: Khều

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2019, cả nước giải thể 4.856 Hợp tác xã hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động (tăng 39% so với giai đoạn 2010 - 2015); và hiện có 1.000 hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục phá sản.

Vấn đề đặt ra, hiện những người có quyền nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản đang gặp khá nhiều lúng túng khi căn cứ xác định tình trạng mất khả năng thanh toán của các hợp tác xã. Cụ thể, Khoản 1, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Tuy nhiên, quy định này hiện chưa rõ ràng để xác định một hợp tác xã có thực sự lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hay không? Bởi lẽ, rất khó để phân biệt giữa tình trạng mất khả năng thanh toán với trường hợp không chịu thanh toán.

Trong khi đó, trên thực tế có nhiều trường hợp hợp tác xã có đầy đủ khả năng thanh toán nhưng do nhiều nguyên nhân nên không chịu thanh toán hoặc không thể thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ. Đáng lưu ý, căn cứ này có khả năng trở thành công cụ để các bên đòi nợ lẫn nhau và có thể dẫn tới hậu quả bên bị đòi nợ bị thiệt hại về uy tín và kinh tế.

Liên quan đến việc thông báo mất khả năng thanh toán, Khoản 1, Điều 6, Luật Phá sản năm 2014 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 14, Luật Các tổ chức tín dụng lại quy định các tổ chức tín dụng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng... Do đó, các tổ chức tín dụng dù biết được tình trạng mất khả năng thanh toán của khách hàng nhưng không thể thông báo cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản vì luật không cho phép.

Đáng nói hơn khi các hợp tác xã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, các chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thường không thực hiện nghĩa vụ của mình. Bởi lẽ, Luật Phá sản 2014 chưa quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với trường hợp chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng không nộp đơn kịp thời hoặc nộp đơn không đúng.

Trong khi đó, các chủ thể có quyền nộp đơn có thể chưa biết về việc mình được bảo vệ thông qua thủ tục phá sản hoặc do tâm lý ngại kiện tụng, không tin tưởng vào phương pháp đòi nợ này nên hiện nay rất ít chủ thể thực hiện quyền nộp đơn của mình.

Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền lợi của những người có quyền nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản thì cần quy định cụ thể về căn cứ xác định xác định tình trạng mất khả năng thanh toán; đồng thời, bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp chủ thể không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.