30 triệu người dùng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Intenet mỗi ngày
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tốc độ tăng trưởng về mobile banking tại Việt Nam là 200% và có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua Intenet mỗi ngày.
Với hơn 70 tổ chức tín dụng và nhiều đơn vị trung gian thanh toán ví điện tử đã tạo giá trị giao dịch tiền tệ qua kênh Internet đạt giá trị khổng lồ (7 triệu tỷ đồng qua intenet và 300 nghìn tỷ đồng qua điện thoại di động). Đây là lợi thế cạnh tranh đặc biệt của ngân hàng số, ví điện tử so với mô hình ngân hàng truyền thống trong thời kỳ nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Bởi khi người dân trải nghiệm sự tiện dụng trong các giao dịch hoặc trao đổi mua bán hàng hóa…họ dễ dàng thay đổi thói quen cũ để chuyển sang hình thức thanh toán điện tử, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Đối với doanh nghiệp (DN), trong khi ngân hàng truyền thống phải mất một tuần để xử lý hồ sơ tín dụng thì ngân hàng số chỉ mất 2 tiếng đồng đã có thể giải ngân cho DN bằng phương thức số hoá toàn bộ dữ liệu và công nghệ thẩm định tín dụng. Mặt khác, vấn đề số hóa, quốc tế hóa trở thành một trong những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của DN nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong thời đại công nghệ số.
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước (NHNN) được công bố tại Toạ đàm “Ngân hàng số và thanh toán điện tử” vừa tổ chức ngày 21/5, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ thanh toán của DN dưới hình thức giao dịch điện tử trong dịch Covid-19. Cụ thể, DN được giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, đồng thời điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (chủ yếu là các giao dịch dưới 2 triệu đồng).
Theo ông Phạm Tiến Dũng, dự kiến trong tháng 6/2020, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Đến lúc đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số một cách toàn diện.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Một trong những vấn đề quan trọng của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch là phải thực hiện số hóa nền kinh tế, số hóa DN và đẩy mạnh thương mại điện tử.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, mặc dù, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số. Tuy nhiên cho đến nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc về mặt pháp lý (thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành). Vấn đề đặt ra là phải tiếp hoàn thiện khung pháp lý, hạ tầng, công nghệ cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán điện tử để đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.