Khoản nợ nhỏ - vấn đề lớn của Mỹ

Theo cafef.vn

(Tài chính) Chương trình tịch biên nhà đã trở thành một hệ thống thu nợ "ăn thịt" người, khiến hàng ngàn gia đình bị đẩy ra đường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cuộc khủng hoảng bất động sản dẫn đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện đã có dấu hiệu sáng sủa hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều người Mỹ phải sống trong nhà tế bần hay căn lều ở công viên vì bị tịch thu nhà. Điều đáng nói là họ bị tịch thu nhà không phải vì hậu quả của cuộc khủng hoảng mà vì một chính sách bất hợp lý đã kéo dài nhiều thập niên qua. Và dưới đây là câu chuyện của Washington Post.

Vào ngày Bennie Coleman mất nhà, cảnh sát có vũ trang đến nhà ông và ra lệnh ông rời khỏi nhà. Trong mớ vật dụng những người cưỡng chế vứt ra đường người ta thấy những tấm huy chương của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và những tấm ảnh của người vợ quá cố của ông. Ngôi nhà nằm phía Tây Bắc thủ đô Washington mà ông mua cách đây 2 thập kỷ giờ trống hoác và bị đóng cửa. Đêm xuống ông không biết đi đâu.

Câu chuyện xảy ra với ông 2 năm trước khi chính quyền thủ đô Washington quyết định bán ngôi nhà ông bị buộc phải thế chấp cho khoản nợ thuế 134 USD của mình cho các nhà đầu tư theo một chính sách giúp chính quyền thu thuế. Những người mua lại món nợ của Coleman đã tính đủ loại chi phí mà ông không thể nào trả nổi, để rồi cuối cùng họ tịch thu ngôi nhà 197.000 USD của ông để thanh toán nợ.

Hàng chục năm qua, chính quyền buộc người dân phải thế chấp ngôi nhà của mình nếu họ không trả nổi nợ thuế bất động sản, sau đó bán nợ đã được thế chấp tại những phiên đấu giá công khai cho các nhà đầu tư, những người đã kiếm lợi nhuận bằng cách thu lãi suất trên món nợ cho đến khi chủ nhà trả được nợ thuế.

Theo miêu tả của Washington Post, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, chương trình đã trở thành một hệ thống thu nợ “ăn thịt” người, cứ lãi mẹ đẻ lại con, từ 500 USD có thể tăng lên đến 5.000 USD, cho đến ngày các chủ nhà không còn khả năng thanh toán thì các nhà đầu tư tịch thu nhà của họ. Khi thị trường nhà đất tăng vọt, các nhà đầu tư tìm kiếm các món nợ thế chấp khắp mọi ngõ ngách của thành phố, sau đó bắt đầu thu lãi suất với hàng ngàn loại phí và chi phí hợp pháp, vượt xa so với món nợ ban đầu của họ. Họ thu lợi nhuận không ai biết là bao nhiêu nhưng họ trả cho các luật sư trung bình 450 USD/giờ.

Đã có hàng ngàn gia đình bị đẩy ra đường như thế, có những ngôi nhà mà ba hay bốn thế hệ đã ở giờ cũng bị tịch thu. Đau khổ nhất là những người già cô đơn bị mất nhà. Như trường hợp của Coleman, hiện ông phải vật lộn với bệnh mất trí nhớ và vẫn sống  trong nhà tế bần. Một chủ cửa hàng hoa 65 tuổi bị tịch thu ngôi nhà ông đã ở hơn 40 năm, bị đẩy vào nhà tế bần rồi chết vì bệnh ung thư. Một nhà lãnh đạo dàn hợp xướng nhà thờ 95 tuổi bị mất nhà chỉ vì nợ thuế có 44,7 USD.

Beverly Snalls, người có bà cô bị tịch thu nhà đã nói với Washington Post: “Đâu là công lý? Họ đang tước đoạt cuộc sống của người dân”.

Trong khi nhiều người vẫn còn khổ sở thì chính quyền địa phương làm rất ít để bảo vệ những người này khỏi những kẻ khai thác nợ thuế đến mức vô đạo đức. Không chỉ vậy, họ còn nói đó là cách duy nhất để thu hồi được nợ thuế. Còn những người mua nợ thế chấp nói gì? Họ nói: Họ đâu có muốn tịch thu nhà của các con nợ, họ chỉ muốn giúp những người kia trả nợ và thu ít lợi nhuận, đồng thời giúp thành phố thu hồi nợ.

Đó là cướp xa lộ! Brenda Adjetey, người vừa mới phải ra tòa tuần trước để bảo vệ ngôi nhà của mình ở Đông Nam Washington sau khi hóa đơn thuế trị giá 1.100 USD của bà đã tăng gấp 4 lần vì các chi phí phải trả cho những người mua nợ của bà.

Tại buổi điều trần trước dư luận hồi tháng 10 năm ngoái, những người chủ trương chính sách này đã hứa hàng loạt cải cách trước hội đồng thành phố. Nhưng cho đến này không hề có sự thay đổi nào.

“Đó là một thất bại của chính phủ, người dân đang bị hủy hoại” - Stephen Fuller, Giám đốc Trung tâm phân tích khu vực của Đại học Gearge Mason nói.