Khối doanh nghiệp Trung ương hỗ trợ mạnh cho an sinh xã hội

Theo chinhphu.vn

Trong giai đoạn 2008-2012, các tập đoàn, tổng Công ty thuộc Khối doanh nghiệp (DN) Trung ương đã hỗ trợ công tác an sinh - xã hội với tổng trị giá 8.569 tỷ đồng.

 Khối doanh nghiệp Trung ương hỗ trợ mạnh cho an sinh xã hội
DN Trung ương tiếp tục cam kết thực hiện việc hỗ trợ các huyện nghèo. Nguồn: internet

Theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN Trung ương Nguyễn Văn Ngọc, hiện 26/32 tập đoàn, tổng Công ty, ngân hàng trong Khối cam kết và hỗ trợ 62 huyện nghèo trong cả nước trên 2.205 tỷ đồng, giải ngân trên 1.926 tỷ đồng, bằng 87,35% so với tổng số vốn cam kết.

Hỗ trợ hiệu quả nhiều lĩnh vực

Các lĩnh vực được các DN tập trung hỗ trợ gồm: Phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân; xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát cho người nghèo; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chăm sóc sức khỏe nhân dân; đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong đó, chủ trương xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát cho các hộ nghèo là nhiệm vụ hàng đầu cần tập trung giải quyết. Trong các năm qua, các DN đã hỗ trợ hơn 486 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới hơn 61.000 nhà ở cho đồng bào của 62 huyện nghèo.

Ông Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các DN, đã có 2.839 hộ khó khăn đã được “an cư” để “lập nghiệp”.

Lương thực bình quân đầu người toàn huyện tăng từ 336 kg/người năm 2009 lên 370 kg/người năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,5 triệu đồng/người năm 2009 lên 7,2 triệu đồng/người năm 2011.

Tại huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, trong những năm qua có 1.441 hộ được xóa nhà tạm, tranh tre dột nát. Huyện cũng đã xây dựng được khu nội trú cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa với trị giá gần 10 tỷ đồng, khắc phục tình trạng nhiều gia đình khó khăn không có nơi trọ học, nhiều em phải bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh Trung học phổ thông bỏ học đã giảm từ 5,4% năm 2009 xuống còn 1,7% năm 2013. Đây là điều kiện thuận lợi để góp phần đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương sau này.

“Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn sẽ có chính sách đặc biệt hỗ trợ khuyến khích như trợ giá, trợ cước đối với một số mặt hàng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo như xi-măng, sắt thép bởi lẽ điều kiện xa xôi nên công tác vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao”, ông Phạm Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, nói.

Chia sẻ về nguồn vốn của các DN hỗ trợ cho công tác giảm nghèo của địa phương, ông Lý Xuân Thành, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Sín Cheng, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết người dân trong xã đã chủ động tham gia bình xét và quyết định lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất của gia đình và địa phương.

Đặc biệt, việc áp dụng chính sách tăng vụ đã chuyển đổi được 169 ha cây ngô lai tăng vụ, áp dụng giống mới với sản lượng tăng thêm mỗi năm từ 200-300 tấn ngô; phát triển 82 ha thuốc lá cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đã được cải thiện, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ trong năm 2013

Đánh giá về hiệu quả hỗ trợ từ các DN, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh - Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng các hoạt động trên đã góp phần thiết thực giúp một bộ phận dân cư tại các huyện nghèo cải thiện được nơi ăn ở, sinh hoạt, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm; nâng cao nhận thức, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh, giáo viên một số địa phương vùng đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn…

Đặc biệt, một số đơn vị đã có nhiều cách làm hay hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng cụ thể của người dân như thành lập “Ban giảm nghèo”, trực tiếp họp với người dân lắng nghe nhu cầu của họ, thảo luận cụ thể với chính quyền địa phương về kế hoạch giảm nghèo cụ thể…

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia các hoạt động an sinh xã hội và thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, các DN, ngân hàng trong khối cũng gặp một số khó khăn hạn chế bởi hầu hết các hộ nghèo, thôn bản nghèo thường ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, hạ tầng cơ sở kém, thường xuyên xảy ra thiên tai bão, lũ đã có tác động lớn đến tiến độ và kết quả triển khai các chương trình hỗ trợ.

Bên cạnh đó, năng lực thi công của một số DN địa phương còn yếu, công tác giải phóng mặt bằng có nơi còn vướng mắc. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã, thôn còn yếu, thiếu về kỹ năng trong việc triển khai các chính sách trên; công tác thông tin 2 chiều giữa DN nhận hỗ trợ với địa phương về hỗ trợ xóa đói nghèo còn thiếu và chưa kịp thời...

Thời gian tới, các DN Trung ương tiếp tục cam kết thực hiện việc hỗ trợ các huyện nghèo, sớm hoàn thành các dự án, công trình còn đang dở dang. Tại những nơi đã hoàn thành và bàn giao công trình, các DN sẽ tiếp tục có những hỗ trợ khác để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Các DN cũng sẽ chung tay cùng địa phương nghiên cứu những nội dung, mô hình mới về xóa đói, giảm nghèo, hoặc đăng ký hỗ trợ thêm những huyện nghèo, địa phương khác.

Các DN trong Khối DN Trung ương cũng tiếp tục đăng ký thực hiện các chương trình an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ năm 2013 với tổng số tiền hơn 3.111 tỷ đồng.