Khởi động cải cách thông quan, thu thuế

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Với cách làm thủ công như trước đây, không chỉ đội ngũ nhân sự ngành hải quan và của doanh nghiệp (DN) khá vất vả để làm thủ tục thông quan, kê khai thuế cho hàng hóa xuất nhập khẩu, mà chi phí và thời gian cũng tốn khá nhiều.

Khởi động cải cách thông quan, thu thuế
Thời gian kê khai thuế đã giảm đáng kể. Nguồn: internet

Khổ vì thủ tục còn rườm rà

Kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu và cung ứng các loại vải không dệt, phụ gia thực phẩm, hóa chất… Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Vinatoken (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên phải mở tờ khai hải quan, thuế mỗi ngày. Với cách làm thủ công như trước đây, không chỉ đội ngũ nhân sự ngành hải quan và của DN khá vất vả để làm thủ tục thông quan, kê khai thuế cho hàng hóa xuất nhập khẩu, mà chi phí và thời gian cũng tốn khá nhiều.

Điển hình, có nhiều trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ được nộp cùng tờ khai hải quan nhập khẩu và hàng đã được thông quan, song do C/O có vấn đề liên quan đến bên thứ ba cấp, cũng như hàng hóa phải chờ công văn trả lời của Bộ Công Thương xem có hợp lệ và được hưởng mức thuế suất ưu đãi hay không, nên trước mắt Vinatoken vẫn phải đóng mức thuế cao, mặc dù DN không có bất cứ vi phạm gì về chậm nộp thuế và hàng hóa không thuộc diện phải kiểm tra cảm quan…

Với Công ty CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn - DN chuyên chế biến, xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản có trụ sở tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh - việc kéo thời gian giải quyết thủ tục thuế, hải quan cũng đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của DN với thị trường quốc tế.

Bởi, theo ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc công ty, do mặt hàng tôm, mực đã qua chế biến của DN chủ yếu xuất qua thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU… nên ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật thì việc đảm bảo về tiến độ giao hàng để tránh bị phạt hợp đồng, cũng như hàng hóa thực phẩm để lưu kho quá lâu sẽ ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu vi sinh khi đến tay nhà nhập khẩu.

Chính vì vậy, điều lo lắng nhất của DN hiện nay không chỉ bởi chi phí đầu vào, nguyên phụ liệu ngày một gia tăng mà còn phải kể đến hàng loạt chi phí vô hình khác phải gánh chịu, trong đó có không ít các loại thủ tục hành chính từ đăng ký, giấy phép, giấy chứng nhận, thông quan, hoàn thuế… Tương tự, Giám đốc một DN hoạt động xuất nhập khẩu tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, mặc dù thuộc diện phân luồng xanh, hoàn thuế trước kiểm sau, nhưng nhiều khi phải mất đến vài tháng trời chạy đi chạy lại công ty mới nhận được tiền thuế DN đã tạm nộp vào ngân sách.

Những khó khăn kể trên của DN là thực tế tồn tại suốt thời gian qua, mà như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực cạnh tranh của các DN trong nước bị giảm đi rất nhiều, tiếp đó là ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam hiện là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho việc giải quyết các vấn đề thông quan, nộp thuế… gần như cao nhất với 872 giờ/năm. Con số này cao gấp 4 lần mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN…

Toàn hệ thống vào cuộc

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, chú trọng đến vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách các thủ tục liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của DN.

Về yêu cầu cụ thể, từ nay đến cuối năm 2014, ngành thuế cần giảm thời gian thực hiện thủ tục khai, nộp của DN còn không quá 300 giờ một năm. Đến năm 2015, con số này phải đạt ngang mức trung bình các nước ASEAN là 171 giờ. Không chỉ về thời gian, số lần nộp cũng được yêu cầu giảm tối thiểu bằng với mức trung bình khu vực. Đồng thời, số DN tham gia kê khai thuế điện tử đến cuối năm cũng phải đạt 95%.

Trước nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã xây dựng một số giải pháp khá cụ thể và có định lượng hiệu quả rất chi tiết. Chẳng hạn, với việc bỏ quy định một ủy nhiệm thu ngân sách cho một tờ khai hải quan bằng ủy nhiệm thu cho tất cả các tờ khai trong cùng một lô hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ giúp giảm trên 1,5 triệu chứng từ/năm phải kê khai để nộp thuế cho cộng đồng DN.

Đáng chú ý là việc Bộ này đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế. Kèm theo đó là công văn 3609/TCT-CS ngày 26/8/2014 hướng dẫn về các điểm mới của Thông tư 119.

Theo đó, khi cắt giảm một số giấy tờ thủ tục như quy định khai và tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu trở lại, quy định phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hay 12 chỉ tiêu tại các bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra... Hiện đã có hiệu lực thi hành, các văn bản trên dự kiến sẽ giúp giảm được hơn 200 giờ tính thuế, khai thuế cho DN...

Phía các đơn vị thực hiện, một lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc cơ quan này áp dụng hệ thống thông quan tự động thời gian qua đã giúp các DN trên địa bàn giảm thiểu thời gian thông quan đáng kể. Chỉ tính riêng thời gian ngắn sau khi áp dụng hệ thống thông quan điện tử, hàng chục ngàn tờ khai đã được thông quan qua hệ thống VNACCS/VCIS...

Tuy nhiên, theo đánh giá của DN, để thông quan, cắt giảm thủ tục hành chính giấy tờ đạt được hiệu quả không chỉ đòi hỏi hệ thống công nghệ kỹ thuật phải đồng bộ, phù hợp với thực tiễn mà các bộ ban ngành cũng phải bắt tay vào cuộc, phối hợp thông suốt để tránh tình trạng gỡ được đầu này, lại vướng ở điểm kia thì chắc chắn mục tiêu đề ra sẽ có thể khó hoàn thành như mong đợi.

Ông Lý Đình Quân, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DNNVV (Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng):

Thay đổi sẽ mang lại hiệu quả cho DN

Thời gian qua, không thể phủ nhận sự nỗ lực và quyết tâm của ngành thuế và hải quan trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt các thủ tục, chi phí thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước của DN. Đã có nhiều văn bản về chế độ, chính sách, thủ tục về thuế, hải quan được đơn giản hóa, tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế, DN xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi các thủ tục hành chính thuế, hải quan tiếp tục phải cắt giảm hơn nữa. Hiện nay, trung bình mỗi năm, các DN của nước ta phải mất thời gian làm thủ tục, kê khai nộp thuế, cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp kết quả kinh doanh của DN, tác động xấu đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Thực tế cho thấy, rất nhiều DN kêu ca chuyện nộp thuế, nhưng DN kêu đúng chứ không phải không có cơ sở…

Trước những tồn tại đó, việc Bộ Tài chính quyết tâm cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh… là nỗ lực đáng mừng cho cộng đồng DN Việt Nam. Động thái này thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ, Bộ Tài chính để củng cố, thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, mang lại sự thuận lợi cho DN. Sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính thông tin rằng sẽ giảm số thực hiện các thủ tục thuế xuống còn 171 giờ và phải thực hiện từ nay đến 2015. Thách thức này đang đòi hỏi ngành tài chính nỗ lực thực hiện mới hy vọng đem lại hiệu quả thiết thực cho DN.


Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất khẩu thủy sản Thuận Phước (TP. Đà Nẵng):

Thái độ làm việc cũng cần thay đổi

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong thực hiện thủ tục hải quan là do vẫn còn tình trạng một số cán bộ hải quan thụ lý hồ sơ, thủ tục chưa giải quyết và giải thích một cách phù hợp, rõ ràng khi tiếp xúc trực tiếp với DN. Thậm chí, ý kiến trả lời của ngành hải quan trong nhiều trường hợp không chi tiết, do vậy gây khó khăn cho DN khi thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kê khai hải quan, nộp thuế xuất nhập khẩu...

Việc ban hành Thông tư 119 để tháo gỡ những nút thắt mà các DN đang gặp phải hiện nay, về chủ trương là đúng, rất tốt, phù hợp với sự kỳ vọng vào việc cải cách thủ tục hành chính của các lĩnh vực thuế, khai báo, tính thuế hải quan… Nhưng bên cạnh đó, để thực hiện tốt chủ trương này rất cần sự nỗ lực của các bên liên quan, chỉ đạo và thực hiện phải có sự quyết liệt… Nếu không, chủ trương cũng chỉ nằm trên giấy, khó đi vào thực tế và sự kỳ vọng của DN không được đáp ứng trên thực tế…

Bởi trong khi, cộng đồng DN đang chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan hữu quan, còn cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác thuế không tự cải thiện… thì đâu lại vào đó và đương nhiên là gây lãng phí tiền của, thời gian, công sức của DN, vừa gây mất lòng tin. Do vậy, đồng hành cùng với một chủ trương tốt thì đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện chủ trương đó, cụ thể là trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính cũng phải thay đổi thái độ làm việc thì mới mong hiệu quả.


Ông Lê Văn Hiểu, Tổng giám đốc CTCP Máy và Thiết bị Seatech:

Cần xây dựng hệ thống kỹ thuật liên quan

Tôi đánh giá cao thủ tục hải quan điện tử đã và đang được triển khai, cải tiến theo hướng minh bạch, hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của DN… Song, để có thể cải cách thực sự thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, cần xây dựng hệ thống phần mềm kỹ thuật, hệ thống Internet đảm bảo tính đồng bộ, liên kết giữa các cơ quan hải quan với nhau và các cơ quan hải quan với các bộ ngành, cơ quan quản lý.

Ngoài ra, cần tăng cường, mở rộng mạng lưới các DN làm dịch vụ hải quan, tăng cường việc khai báo hải quan qua mạng, qua đó rút ngắn được thời gian của DN. Để đạt mục tiêu giảm mạnh các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này, Chính phủ cũng cần xây dựng một lộ trình cụ thể hơn, đặc biệt cần tổ chức thường xuyên các cuộc họp giao ban giữa các bộ, ban ngành, địa phương…