Khối ngoại bán ròng phiên thứ 11 liên tiếp, VN-Index lại bị "đạp" về dưới MA200


Hoạt động bán ròng của khối ngoại đang cản trở vận động tích lũy của VN-Index. Thị trường chung vốn đang rất thận trọng trước nhiều sự kiện đã buộc phải lùi khỏi đường xu hướng dài hạn.

Định vị thị trường

Sau những phiên có vận động đồng pha, phiên giao dịch ngày 13/12 chứng khoán châu Á chuyển sang biến động trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi quyết định của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và những dấu hiệu cắt giảm lãi suất trong năm tới.

Chỉ số NIKKEI 225 (+0,25%), TWSE (+0,1%), STI (+0,07%) tăng điểm, còn SHCMP (-1,15%), KOSPI (-0,97%), SET (-1,26%), HSI (-0,89%) giảm quanh biên độ 1%.

Trong phiên ngày 13/12, VN-Index đã ngả theo nhóm giảm điểm với biên độ có phần còn nhỉnh hơn khi giảm tới 1,19%. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giảm sâu hơn đến từ việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có đợt rút tiền mạnh.

Chất xúc tác

Quy mô bán ròng từ đầu năm của khối ngoại trên cả 3 sàn đạt tới 19.444 tỷ đồng, mức cao nhất từ đầu năm 2023. Nếu chỉ xét riêng chuỗi bán ròng hiện tại, khối ngoại đã bán ra trong 11 phiên liên tiếp.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 11 liên tiếp, VN-Index lại bị "đạp" về dưới MA200 - Ảnh 1

Giá trị bán ròng của HOSE là 906 tỷ đồng, UPCoM là 13 tỷ đồng và chỉ có duy nhất HNX (61,5 tỷ đồng) nhận được tiền. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại 2 chiều trên HOSE ở mức khá lớn so với các phiên thông thường, đạt 10,5%.

Các mã bị khối ngoại rút tiền nhiều nhất trên HOSE trong phiên ngày 13/12 là VNM (-130 tỷ đồng), FUEVFVND (-114,5 tỷ đồng), STB (-82 tỷ đồng), HPG (-64,9 tỷ đồng) đều có sức ảnh hưởng tới chỉ số.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 11 liên tiếp, VN-Index lại bị "đạp" về dưới MA200 - Ảnh 2

Vận động thị trường

Dòng tiền nội đã không sẵn sàng đứng ra hấp thụ lại áp lực bán ra từ khối ngoại nên VNM (-1,73%), FUEVFVND (-0,78%), STB (-1,96%), HPG (-2,15%), VPB (-1,29%), MWG (-1,88%), HCM (-2,05%).

Khi khối ngoại tăng cường hoạt động bán ra trong phiên chiều, VN-Index lẫn VN30 đều bị kéo xuống sâu hơn trong phiên chiều. Chỉ số VN30 đã mất 1,28% kéo theo VN-Index mất 1,19% xuống 1.114,2 điểm.

Qua đó, VN-Index đã tạm đánh mất MA200 sau khi có 5 phiên liên tiếp đóng cửa trên đường xu hướng dài hạn. Độ rộng nhanh chóng ghi nhận sự lấn lướt của sắc đỏ với gần 74% mã giảm giá.

Các mã ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép đều có nhiều cổ phiếu giảm trên 1% như: TPB (-2%), STB (-2%), SHB (-1,8%), OCB (-1,8%), TCB (-1,8%), LPB (-1,6%), VPB (-1,3%), BSI (-3,4%), VCI (-2,5%), HCM (-2,1%), CTS (-2%), VND (-2%), ORS (-1,8%), SSI (-1,8%), PDR (-2,6%), TCH (-2,3%), NVL (-4%), SCR (-2,8%), HSG (-3%), NKG (-2,8%)…

Trong số này, các cổ phiếu PDR, NVL lẫn CEO (-3,4%) trên HNX cho thấy vẫn chịu ảnh hưởng từ từ thị trường chung dù cho đã ước tính sẽ được các quỹ ETFs ngoại thêm mới trong kỳ review quý IV/2023.

Có quá ít những cổ phiếu cá biệt có thể "chống" lại diễn biến chung của thị trường. Đó chỉ là trường hợp của HAG (+3,44%), VCG (+0,82%), BVH (+1%).

Thanh khoản có lẽ mới là điểm sáng hiếm hoi khi thị trường cho thấy vẫn có dòng tiền đỡ giá các cổ phiếu.

Khớp lệnh của HOSE đã trở lại trên mức bình quân 20 phiên. Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 18.447 tỷ đồng, tương đương 844 triệu đơn vị.

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều có quy mô thanh khoản khá cao, đạt gần 3.000 tỷ đồng. Dù vậy, 2 chỉ số này cũng giảm điểm, lần lượt mất 1,42% và 0,3%.

Theo Mai Hương/thitruongtaichinhtiente.vn