Khối ngoại chiếm 6% giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam
Trước đây, khối ngoại chiếm khoảng 20% giao dịch thị trường, ảnh hưởng đáng kể diễn biến VN-Index. Con số này hiện chỉ còn khoảng 5-6%, tác động không còn lớn.
Tâm lý thị trường không còn phụ thuộc giao dịch của khối ngoại
Tính từ đầu năm đến nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương trên một tỷ USD, vượt cả giá trị bán ròng trong suốt cả năm 2023.
Trong đó, nhóm cổ phiếu “họ Vin” chiếm khoảng 45%, kế đến là MSN và VNM khoảng 30%, các ETF chiếm khoảng 20%. Chỉ 3 nhóm này đã chiếm tổng cộng khoảng 95%. Phần lớn lượng bán ròng đến từ giao dịch thỏa thuận, còn lại đến từ xu hướng chuyển dòng vốn do chênh lệch lãi suất nêu trên.
Lý giải cho động thái rút ròng liên tục của khối ngoại, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc khối này bán không đồng nghĩa nền kinh tế vĩ mô xấu đi, chỉ đơn thuần là họ ưu tiên làm sao hiệu suất tăng trưởng hiệu quả so với thị trường chung.
Câu chuyện tỷ giá cũng là một yếu tố. Do môi trường chính sách tiền tệ ngược nhau, Fed thắt chặt trong khi Việt Nam nới lỏng, áp lực tỷ giá cao là vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa thể quay lại mua ròng ngay lập tức.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài là tập trung vào cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng, vốn hóa lớn. Nếu như trước đây lựa chọn cổ phiếu đặt yếu tố cơ bản lên hàng đầu, không quan tâm đến thanh khoản thì những năm gần đây, họ chuyển sang lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng, vốn hoá lớn và chú trọng rất nhiều thanh khoản.
“Mọi người hay nói rằng khối ngoại bán ra tức là họ nhận ra rủi ro chứng khoán Việt Nam, khối ngoại như kim chỉ nam, câu chuyện đó ngày xưa thì đúng nhưng bây giờ không còn đúng nữa”, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Xét về ảnh hưởng, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) cho biết vào nhiều năm trước, khối ngoại chiếm khoảng 20% giao dịch thị trường, dẫn đến ảnh hưởng đáng kể diễn biến. Tuy nhiên, gần đây, con số này chỉ còn khoảng 5-6%, dẫn đến tác động không còn lớn và nhóm này cũng chỉ tập trung vào một số cổ phiếu doanh nghiệp lớn, không lan ra toàn thị trường.
Chiến lược cho nhà đầu tư trong nước
Thời điểm hiện tại, chứng khoán đang có những lợi thế nhất định so với các kênh đầu tư khác: Kênh tiền gửi hiện có mặt bằng lãi suất rất thấp, vàng kém ổn định, bất động sản mất thanh khoản.... khiến dòng tiền bên ngoài đang liên tục chờ đợi tham gia vào thị trường chứng khoán để đầu tư. Khi có mức chiết khấu đủ, cùng nhiều thông tin tích cực đang ủng hộ thị trường sẽ là động lực để dòng tiền này hỗ trợ chặn đứng đà giảm của thị trường cũng như hồi phục sau đó.
Ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho biết, VN-Index có nhịp giảm trong tháng 4/2024, sau đó hồi phục trong 4 tuần liên tiếp, tăng hơn 100 điểm từ đáy tháng 4 lên gần 1.300 điểm. Trên thực tế, thị trường năm nào cũng có những đợt điều chỉnh, không lý do này thì lý do khác và nhà đầu tư lâu năm cũng quen với điều này. Vì vậy, việc dự báo diễn biến trong ngắn hạng mang tính may rủi rất cao.
Theo đó, ông Đinh Đức Minh cho rằng, nhà đầu tư nên có góc nhìn trung dài hạn hơn là dự đoán ngắn hạn. Ví dụ với một yếu tố xấu, cần đánh giá tiêu cực ở mức nào, nhà đầu tư xem xét giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức độ phù hợp. Ngược lại, tình hình cải thiện hơn thì cần đẩy tỷ trọng cổ phiếu lên, nhà đầu tư sẽ tránh bị ngạc nhiên trước những biến động nhanh và khó lượng của thị trường như giai đoạn vừa rồi.
Xét về rủi ro, định giá P/B của thị trường chứng khoán đang thấp nhất trong 10 năm trở lại. P/E thì đang dao động 13 – 13,5 lần, được cho là không quá cao. Bên cạnh đó, một số điểm sáng đã xuất hiện như các dữ liệu về kinh tế dần khởi sắc, từ tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024, con số tăng trưởng đạt khoảng 12%. Trong đó, có 8/11 ngành tăng trưởng, chỉ có 3/11 ngành giảm lợi nhuận. Đây là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
“Tổng quan, nhà đầu tư vẫn có thể tham gia được vào thị trường chứng khoán lúc này. Nhà đầu tư nên xác định kỳ vọng, khả năng chấp nhận rủi ro của mình, tiếp theo mới đến bước phân tích vào doanh nghiệp, nghiên cứu các yếu tố kinh tế. Nếu chọn giao dịch theo ngắn hạn, kỹ thuật, nhà đầu tư cần tuân thủ các nguyên tắc giao dịch đề ra”, ông Đinh Đức Minh khuyến nghị.