Khối ngoại đã trở lại thị trường chứng khoán?

Theo vef.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 5/2014 trong sự điều chỉnh khá rõ nét khi chỉ số VNIndex bị phá vỡ khỏi ngưỡng kháng cự 550 điểm.

Khối ngoại đã trở lại thị trường chứng khoán?
Sau giai đoạn quý I đầy hứng khởi thì dòng tiền nóng đang dần rút ra. Nguồn: internet

Sau giai đoạn quý I đầy hứng khởi thì dòng tiền nóng đang dần rút ra. Điều này được thể hiện thông qua thanh khoản trên cả hai sàn HSX và HNX đều có sự sụt giảm, khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh bình quân mỗi phiên chỉ đạt 160 triệu đơn vị/ phiên (giảm 40% so với thời kỳ sôi động nhất vào tháng 3/2014).

Điểm sáng khối ngoại

Vấn đề biển Đông là yếu tố chính, có ảnh hưởng chi phối tới toàn bộ diễn biến của thị truờng trong tuần qua. Các chỉ số Index lao dốc với sự sụt giảm mạnh về điểm số khiến nhà đầu tư càng trở nên dè dặt hơn khi muốn bắt đáy vì xu thế tiêu cực chưa có dấu hiệu dừng lại. Điểm sáng duy nhất là giao dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã quay trở lại mua vào 23 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 520 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức cầu này là chưa đủ so với áp lực bán tháo ra bằng mọi giá của nhà đầu tư trong nước

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đến cuối tháng 4/2014 là 0,62%. Tín dụng đã có dấu hiệu tăng từ tháng 3 do có sự chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Mặt bằng lãi suất cũng đã có sự điều chỉnh cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,5% tổng dư nợ cho vay VND còn dư nợ các khoản vay trên 13%/ năm cũng chỉ còn chiếm 16,62% tổng dư nợ.

Diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong 4 tháng đầu năm ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, lên tới 45 tỷ USD, đảm bảo có thể can thiệp kịp thời nếu như tỷ giá VND/ USD có biến động. Tỷ giá hiện đang đứng ở mức 21.000 VND/ USD. Đặc biệt, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng nếu như trước đây tỏ ra kém hiệu quả do nhiều vướng mắc nhiều thủ tục, điều kiện đã làm hạn chế khả năng tiếp cận thì nay ngân hàng đã giải ngân được gần 3.300 tỷ đồng cho 4.000 khách hàng. Số liệu về nợ xấu cũng được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu hiện là trên 9%. Nợ xấu giảm là do quyết định 780 ban hành có quy định về nợ xấu được cơ cấu lại và VAMC mua thêm nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.

Khẩn trương với lộ trình tái cơ cấu

Trong thời gian tới, VAMC sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức tín dụng, hình thành thị trường thứ cấp bán nợ. Lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng được triển khai với tiến độ khẩn trương hơn. Trong nhiều đại hội cổ đông của các ngân hàng vừa qua đã xin ý kiến về việc hợp nhất sáp nhập. Hiện trên thị trường còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và đây sẽ là những đối tượng bị hợp nhất sáp nhập với các ngân hàng lớn hơn. Bởi theo khẳng định của Thống đốc NHNN thì với quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ cần 14-17 ngân hàng là đủ, nhưng phải là các ngân hàng có tiềm lực mạnh về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản. Thậm chí, một vài ngân hàng sẽ có quy mô tầm cỡ trong khu vực. Chính vì vậy, NHNN sẽ có thể đưa ra quy định việc nâng vốn điều lệ tại các ngân hàng ở mức cao hơn.

Tình hình biến động về chính trị trên biển Đông ngày càng trở nên phức tạp và khó lường. Thij trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ gặp phải tình huống tương tự. Các thông tin vĩ mô khác dù là khả quan cũng không mang lại nhiều hỗ trợ cho thị trường. Nếu chỉ số VNIndex lùi sâu xuống thấp hơn nữa thì khả năng giải chấp chứng khoán sẽ xuất hiện.