Khởi nguồn của nhà ở xã hội ở Vương quốc Anh


Nhà ở xã hội ở Vương quốc Anh có từ cuối thế kỷ XIX, nhưng phải đến khi ban hành Đạo luật Quy hoạch nhà ở và thị trấn năm 1919, Chính phủ mới bắt tay vào kế hoạch toàn diện đầu tiên để xây dựng nhà ở xã hội. Được các hội đồng lãnh đạo sẽ là nền tảng của chương trình xây dựng quy mô lớn kéo dài đến nửa sau của thế kỷ XX.

Sau Thế chiến II, các Chính phủ trên thế giới phải đối mặt với vấn đề dai dẳng về các khu nhà "ổ chuột" do tư nhân thuê, sự tàn phá của chiến tranh và nhu cầu làm nơi ở cho những người lính trở về. Họ đặt ra tầm nhìn thậm chí còn lớn hơn cho nhà ở xã hội. Các Chính phủ của các bên thời hậu chiến đã thực hiện nhiều chương trình xây dựng nhà ở xã hội nhằm ổn định việc thuê nhà dài hạn với giá thuê thấp cho hàng triệu dân.

Trong ba thập kỷ rưỡi sau khi Thế chiến II kết thúc, chính quyền địa phương và các hiệp hội nhà ở tại Vương quốc Anh đã xây dựng 4,4 triệu ngôi nhà xã hội với mức trung bình hơn 126.000 ngôi nhà mỗi năm.

Chuyển hướng chính sách nhà ở xã hội

Những năm 1980 đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách nhà ở xã hội khi Chính phủ của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lúc đó cho phép những người thuê nhà được mua nhà xã hội với mức chiết khấu đáng kể thông qua chính sách Quyền mua.

Cũng trong giai đoạn này, quyền hạn và nguồn lực mà chính quyền địa phương trước đây có để xây dựng và quản lý nhà ở xã hội phải đối mặt với những hạn chế mới. Đến năm 1983, mức độ xây dựng đã giảm một nửa chỉ sau ba năm.

Đạo luật nhà ở năm 1988 là nỗ lực nhằm quay trở lại xây dựng nhà ở xã hội, do các hiệp hội nhà ở dẫn đầu chứ không phải hội đồng và được hỗ trợ bởi nguồn tài chính tư nhân.

Kể từ đó, các hiệp hội nhà ở đã phân phối hầu hết số lượng vốn ít ỏi các ngôi nhà xã hội mới được xây dựng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các nhà cung cấp nhà ở xã hội thuộc mọi loại đều thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực và quyền hạn cần thiết để tiến gần đến việc đáp ứng nhu cầu nhà ở.

Kết quả là nhà ở xã hội đã bị bán hết nhanh hơn so với việc chúng được thay thế, và chính quyền địa phương ngày nay chỉ còn lại một phần nhỏ so với số nhà ở xã hội mà họ từng phải cung cấp.

Bài toán khó khi nguồn cung nhà ở xã hội giảm

Gần đây, nhà ở xã hội phải chịu đựng nhiều khó khăn do đầu tư công giảm, ít hỗ trợ hơn thông qua hệ thống quy hoạch, chi phí phát triển và đất đai tăng cao. Điều này có nghĩa là khoản đầu tư ít ỏi đó sẽ không đi xa được.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội đang vượt xa nguồn cung ở Vương quốc Anh. Điều này đã có tác động đáng kể đến cuộc sống của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng khẩn cấp về nhà ở. Đó là những gia đình bị mắc kẹt trong những chỗ ở tạm thời chật chội hoặc những ngôi nhà cho thuê tư nhân không phù hợp vì sợ bị trục xuất nên không dám phàn nàn về điều kiện sống tồi tệ. Đó là những người đã xoay sở để có được một ngôi nhà xã hội nhưng buộc phải di chuyển xa bạn bè và gia đình, hoặc những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một ngôi nhà kém chất lượng, không phù hợp với nhu cầu của gia đình họ. 

Tình trạng này cũng có những tác động rộng lớn hơn, kể cả đối với những đối tượng không hề nghĩ mình cần nhà ở xã hội - như các gia đình lao động và những người lớn tuổi không thể có được những ngôi nhà ổn định, thực sự hợp túi tiền để xây dựng cuộc sống của họ.

Năm 1980, 94.140 ngôi nhà xã hội được xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 1983, nguồn cung đã giảm một nửa xuống chỉ còn 44.240 ngôi nhà mới. Trong giai đoạn 2021 - 2022, chỉ có 7.528 ngôi nhà xã hội mới được giao - gần như không đủ cho 1,1 triệu người trong danh sách chờ. Trong khi đó, chi tiêu hàng năm cho trợ cấp nhà ở đã tăng hơn gấp đôi từ 9 tỷ bảng năm 1991 - 1992 lên 29,6 tỷ bảng hiện nay.

Ngày càng nhiều hộ gia đình được hưởng lợi từ nhà ở xã hội đang phải cạnh tranh để giành lấy số lượng bất động sản có sẵn ngày càng thu hẹp, trong khi chất lượng của chúng cũng bị ảnh hưởng do thiếu đầu tư liên tục. Năm ngoái, Anh mất hơn 14.000 ngôi nhà xã hội so với số lượng xây dựng. 

Sự suy giảm của nhà ở xã hội không chỉ là vấn đề riêng của lĩnh vực này, mà còn là vấn đề xã hội. Bởi đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, phúc lợi và cơ hội sống của mọi người. Theo các nhà phân tích, mặc dù nó góp phần gây ra nghèo đói, bất bình đẳng và loại trừ xã hội, song vẫn có thể giải quyết được nếu các nhà hoạch định chính sách coi nhà ở xã hội là một phần quan trọng trong hệ thống nhà ở và đưa ra chính sách đầu tư vào nó một cách phù hợp. 

Theo daibieunhandan.vn