Khởi sự kinh doanh với mô hình doanh nghiệp gia đình
Có nhiều lý do tích cực để khởi sự kinh doanh với mô hình doanh nghiệp (DN) gia đình, bao gồm: Tìm kiếm thu nhập cho các thành viên trong gia đình, việc làm cho bản thân, tận dụng hiệu quả lực lượng lao động là các thành viên gia đình và có một DN để truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Khi các thành viên gia đình được cùng tham gia kinh doanh, họ có được kinh nghiệm làm việc đồng thời với việc kiếm được thu nhập, thậm chí có thể được hưởng lợi từ giảm thuế kinh doanh gia đình. Tuy nhiên, làm việc cùng nhau có thể gây ra rạn nứt trong quan hệ gia đình nếu không có kế hoạch tốt từ đầu. Vì vậy, cần hiểu rõ về DN gia đình, những ưu, nhược điểm của mô hình này, từ đó có kế hoạch kinh doanh đúng đắn.
Doanh nghiệp gia đình và các mô hình doanh nghiệp gia đình
Khái niệm về doanh nghiệp gia đình
DN gia đình là loại hình DN được thành lập, hoạt động theo pháp luật DN. Trong đó những thành viên trong một gia đình sẽ là những người nắm giữ hầu hết số lượng vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty để có thể quyết định cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị.
DN gia đình được định nghĩa đơn giản là DN bao gồm hai hoặc nhiều thành viên trong một gia đình có quyền kiểm soát tài chính của công ty. Nói cách khác, DN gia đình là DN thuộc sở hữu chính của một gia đình và/hoặc được quản lý bởi nhiều thành viên trong cùng một gia đình đó.
Một DN gia đình được chi phối bởi 3 yếu tố: Sở hữu, quản lý, gia đình. Trong đó, gia đình là giá trị cốt lõi mà mỗi DN nằm trong loại hình kinh doanh này cần nắm bắt. Ba yếu tố này không trùng lắp mà tương tác mạnh mẽ với nhau, tạo ra kết nối giữa 8 thành tố trong DN gia đình: Nhà đầu tư (bên thứ ba); Quản lý và nhân viên bên ngoài (không phải là chủ sở hữu); Quản lý và nhân viên bên ngoài (chủ sở hữu); Chủ sở hữu là người trong gia đình (không làm việc trong DN); Gia đình (những người không làm việc trong DN cũng không phải chủ sở hữu); Nhân viên là người trong gia đình (không phải là chủ sở hữu); Chủ sở hữu là người trong gia đình (đang làm việc trong DN); Chủ sở hữu đồng thời là quản lý.
Mô hình doanh nghiệp gia đình
DN gia đình là mô hình công ty thành lập và hoạt động theo pháp luật DN, trong đó các thành viên trong một gia đình nắm phần lớn tổng số vốn điều lệ hoặc cổ phần.
Mô hình 1: Gia đình nắm cả quyền sở hữu, kiểm soát và điều hành.
Thành viên câu lạc bộ quốc tế Henokiens Association gồm 48 công ty gia đình có cả hai yếu tố trên và có tuổi đời từ 200 năm trở lên. Trong danh sách này có 12 DN của Italy, 14 của Pháp, 9 của Nhật, 4 của Đức, 3 của Thụy Sĩ, 2 của Hà Lan, 2 của Bỉ, 1 của Anh và 1 của Áo.
Mô hình 2: Gia đình sở hữu cổ phần kiểm soát nhưng giao việc điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp.
Trong số 10 DN gia đình lớn nhất thế giới hiện nay về vốn hóa thị trường theo báo cáo CS 1000 của Credit Suisse năm 2018 bao gồm: Alphabet; Facebook; Alibaba; Berkshire Hathaway; Samsung Electronic; Walmart; Anhauser - Busch; Oracle; Lvmh; Roche thì có đến 4 DN người sở hữu không điều hành trực tiếp DN.
Mô hình 3: Gia đình không nắm giữ cổ phần chi phối nhưng tiếp tục đóng vai trò điều hành công ty.
Mô hình này khá phổ biến ở Nhật Bản. Nhà Toyoda và Suzuki là những ví dụ phổ biến với những tập đoàn lâu đời mang chính tên của họ. Toyota bổ nhiệm Akio Toyoda làm CEO kiêm Chủ tịch vào năm 2009, khi công ty phải triệu hồi 4,2 triệu chiếc xe vì lỗi kỹ thuật. 8 gia đình đã lập nên Kikkoman (một DN sản xuất tương đậu) chỉ sở hữu 20% cổ phần nhưng vị trí CEO được luân chuyển giữa họ.
Mô hình 4: Gia đình chính là những quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho những thành viên trẻ tuổi trong gia đình khởi nghiệp.
Gia tộc Mullez sở hữu một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Pháp là Auchan. Các bậc con cháu đã sử dụng tiền của họ tộc để thành lập nhiều DN khác, trong đó có Decathlon (thể thao), Pizza Pai and Fluch (ăn uống), Leroy Merlin và Boulanger (thiết bị điện). Các DN này đều thuộc sở hữu của công ty mẹ có tên Limovam đang sử dụng tổng cộng 366.000 lao động.
Ưu điểm và hạn chế khi khởi sự kinh doanh với mô hình doanh nghiệp gia đình
Mô hình DN gia đình là một trong những nền tảng quản trị có nhiều ảnh hưởng với nền kinh tế và rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Theo khảo sát “CS family 1000” của Credit Suisse năm 2018, top 10 DN gia đình xét theo vốn hóa đã chiếm hơn 3.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, top 100 DN gia đình đang giữ vai trò hạt nhân của nền kinh tế khi đóng góp GDP ước đạt hơn 1/4. Điều đó khẳng định chắc chắn cho khả năng khởi nghiệp với mô hình DN gia đình. Song, không phải DN gia đình nào khởi nghiệp cũng thành công.
Báo cáo của Harvard Business Review cho thấy, 70% các DN thuộc sở hữu gia đình thất bại hoặc bị thâu tóm trước khi thế hệ thứ hai nắm quyền. Dẫn khảo sát của các tổ chức uy tín thế giới, Học viện Quản lý PACE cho biết, 2/3 số lượng DN toàn cầu là công ty gia đình, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn; 70% - 90% GDP hằng năm của thế giới được đóng góp bởi các DN gia đình; đóng góp 50% - 80% số việc làm toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ 12% DN gia đình trên thế giới được chuyển giao tới thế hệ thứ 3.
Do đó, cần suy nghĩ kỹ lưỡng để ra quyết định khi có cơ hội khởi sự kinh doanh với các thành viên trong gia đình, hoặc tham gia vào một DN hiện đang thuộc sở hữu của gia đình. Khi đưa ra quyết định có nên bắt đầu kinh doanh với các thành viên gia đình hay không, cần xem xét một số ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm khi khởi sự kinh doanh với mô hình doanh nghiệp gia đình
- Có mối quan hệ nội bộ và hợp tác tốt. Có điều kiện dành nhiều thời gian cùng gia đình nên chủ DN biết và hiểu rõ phong cách tương tác của các thành viên.
- Đồng nghiệp của chủ DN không chỉ là đồng nghiệp hay đối tác kinh doanh, còn là những người bạn và các thành viên gia đình. Vì vậy, mối quan hệ kinh doanh với các thành viên trong gia đình có thể sẽ dễ đồng cảm hơn.
- Những người chủ chốt của DN thường đoàn kết bởi một mục tiêu chung và sẵn sàng hy sinh cho thành công của công ty.
- Tâm trạng làm việc thư giãn hơn với mọi người xung quanh và không cần phải quá giữ gìn những điều riêng tư.
- Vì các thành viên trong gia đình đều biết rõ về nhau, thường sẽ ít áp lực hơn khi nói đến hiệu quả tài chính và linh hoạt hơn về thời gian làm việc.
- Các DN thuộc sở hữu gia đình thường triển khai các thương hiệu có sức hấp dẫn thị trường mạnh mẽ hơn vì có yếu tố truyền thống, các thành viên gia đình thường làm việc chăm chỉ và khéo léo.
- Có thể ra mắt công ty nhanh chóng vì không phải bận tâm đến việc phỏng vấn các đối tác tiềm năng, kiểm tra lý lịch hoặc theo dõi các chứng chỉ và bằng cấp của các thành viên.
Hạn chế khi khởi sự kinh doanh với mô hình doanh nghiệp gia đình
- Các thành viên trong gia đình có xu hướng làm việc thoải mái, không theo nguyên tắc, sẽ làm chậm sự phát triển của DN, về lâu dài, làm suy yếu tính chuyên nghiệp và hạn chế sự thành công của DN.
- Xung đột tại nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, tạo ra những rạn nứt nghiêm trọng giữa các thành viên trong gia đình nếu xảy ra bất đồng.
- Những ý tưởng mới có thể khó trở thành hiện thực, vì những người ngoài cuộc và những người không phải là thành viên trong gia đình gặp khó khăn hơn khi tham gia vào vòng khép kín của những người ra quyết định trong gia đình.
- Các hoạt động kinh doanh không công bằng, xu hướng kế thừa cho các thành viên thuộc thế hệ tiếp theo thường xuất hiện trong các DN thuộc sở hữu gia đình. Điều này có thể ngăn cản các ứng viên và nhân viên tài năng, những người không có động lực để nổi trội hẳn và vươn lên trong tổ chức. Hơn nữa, nếu các thành viên gia đình không đủ tiêu chuẩn hoặc không được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể trở thành nhà lãnh đạo, điều đó sẽ dẫn đến hiệu quả kinh doanh yếu kém của DN gia đình.
- Sự kế thừa quyền lãnh đạo có thể trở thành nguồn gốc của xung đột nghiêm trọng nếu thiếu sự hướng dẫn rõ ràng và chưa được thiết lập từ trước. Những cuộc cãi vã giữa anh chị em và các thành viên chủ chốt khác trong công ty có thể tạo ra những rạn nứt vĩnh viễn trong các mối quan hệ gia đình.
- Truyền thống gia đình và giáo dục chung có thể thúc đẩy sự khép kín, tăng cường khả năng chống lại sự thay đổi, cản trở sự sáng tạo và tư duy từ bên ngoài. Các DN thuộc sở hữu gia đình ít có khả năng đổi mới.
- Các nhà lãnh đạo có thể gặp phải sự miễn cưỡng trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên trong gia đình. Nếu một thành viên trong gia đình là nhân viên hoặc đối tác không muốn thay đổi hoặc không thực hiện lời hứa, đó sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn nhằm thay đổi bản thân người đó.
Vấn đề cần lưu ý khi khởi sự kinh doanh với mô hình doanh nghiệp gia đình
Để khởi sự kinh doanh với mô hình DN gia đình đạt hiệu quả cao, cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, đánh giá chính xác các thái độ, năng lực thành viên trong gia đình. Căn cứ vào tài năng, kinh nghiệm, điểm mạnh và điểm yếu của từng người để xác định vị trí phù hợp nhất cho mỗi người. Những lỗ hổng trong kinh nghiệm hoặc kỹ năng quản lý cần được lấp đầy bởi những nhân viên bên ngoài gia đình.
Hai là, nên thảo luận thẳng thắn về rủi ro. Nếu các thành viên gia đình đều đầu tư tiền vào công ty, thì mỗi người phải hiểu rằng khoản đầu tư đó có nguy cơ mất. Tìm hiểu thái độ của mọi người đối với rủi ro và liệu họ có thể chấp nhận thất bại nếu xảy ra.
Ba là, hãy chắc chắn rằng tất cả các thành viên trong gia đình, không chỉ những người sẽ làm việc trong công ty, nhận ra những khó khăn và hy sinh cần thiết để bắt đầu kinh doanh.
Bốn là, cần có sự cam kết. Tất cả các thành viên gia đình cần nhiệt tình tham gia kinh doanh, không làm điều đó một cách miễn cưỡng hoặc coi đó là nghĩa vụ.
Năm là, công tác tổ chức quản lý công ty cần được tuân thủ theo đúng pháp luật. Chẳng hạn, vấn đề sở hữu cổ phần, thủ tục thanh lý cổ phiếu trong trường hợp thành viên gia đình rời đi… sẽ được giải quyết nhanh gọn, không gây bất cứ khó khăn nào cho các thành viên.
Sáu là, các thành viên trong gia đình cần hiểu rõ phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền ra quyết định của từng thành người. Xung đột sẽ được giảm thiểu nếu mọi người hiểu rõ vai trò của mình và không can thiệp vào thẩm quyền của các thành viên khác trong gia đình.
Bảy là, gia đình cần tách biệt với công việc. Các nhân viên không phải là gia đình cũng cần được đối xử công bằng như các thành viên trong gia đình...
Tóm lại, khởi sự kinh doanh DN gia đình có thể đưa các thành viên gia đình đến gần nhau hơn và cho phép họ cùng nhau hướng tới thực hiện mục tiêu chung. Những DN này có thể tạo ra sự giàu có và cơ hội, cùng với một di sản cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, khi khởi sự kinh doanh với mô hình DN này, cần phải hiểu rõ bản chất của DN gia đình để từ đó có những hành động quản trị phù hợp nhằm dẫn dắt DN phát triển không ngừng, doanh thu cao, lợi nhuận tốt, tập thể các thành viên gia đình ngày càng gắn bó, đoàn kết, hết lòng vì mục tiêu chung của DN.
Tài liệu tham khảo:
- John L. Ward (2004), Perpetuating the Family Business, 50 Lessons Learned from Long-Lasting, Successful Families in Business. By PALGRAVE MACMILLAN Houndmills, Basingstoke, Hampshire RG21 6XS and 175 Fifth Avenue, New York, N.Y. 10010;
- Keanon J.Alderson (2011), Understanding the Family Business; Business Expert Press;
- P&Alliances Research (2018);
- Zachary, R.K. The importance of the family system in family business. J. Fam. Bus. Manag. 2011,1, 26–36.