Không để sầu riêng trở thành "sầu chung"

Đức Mạnh

Từng chia sẻ về sự kiện lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cách đây 1 năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảnh báo: “Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành... trái đắng”.

Các doanh nghiệp nên bắt tay nhau cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì cạnh tranh giá cả.
Các doanh nghiệp nên bắt tay nhau cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì cạnh tranh giá cả.

Chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên

Tính đến nay, trên cả nước có hơn 112 nghìn ha sầu riêng với tổng sản lượng khoảng 900 nghìn tấn. Diện tích sầu riêng tăng lên rất nhanh trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng gần 25%, trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Vùng Đông Nam bộ và một số địa phương khác.

Phát biểu tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Nguyễn Hoàng Dương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk thông tin, hai năm qua, giá sầu riêng đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì việc phát sinh, đối mặt với những khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí là tiêu cực do tăng trưởng nóng.

 

Theo ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn) nhìn nhận, thực trạng một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Với tiềm năng về sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, ông Nông Ngọc Trung cho rằng các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả.

“Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần 'đi cùng nhau' trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng”, Giám đốc Nguyễn Hoàng Dương bày tỏ.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ của các cấp, các ngành, của Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho biết, cách đây đúng 1 năm, bên cạnh việc chung vui với bà con nông dân, hợp tác xã nhân sự kiện lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã đưa ra cảnh báo: “Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành... trái đắng.”

Tròn 1 năm sau, “sầu riêng” đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho Đất nước hơn 1 tỷ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng phải thẳng thắn thừa nhận, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng đã cảnh báo 1 năm trước đó là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng tưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, việc tăng giá quá nóng mất kiểm soát đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Lường trước những khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này. Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. 

 

Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN&PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền Nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ "thuận mua vừa bán" sang quan hệ hợp tác. 

Bộ trưởng cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.

 

Liên quan đến thị trường, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc. 8 tháng đầu năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn. Với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng. Tới đây, Cục Bảo vệ thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ - một thị trường tỷ dân rất tiềm năng.