Vé xuất ngoại cho sầu riêng
Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tăng giá trị sản phẩm, giảm bớt phụ thuộc vào các thương lái. Thế nhưng, muốn làm được điều này, trước hết, nông dân phải sản xuất sầu riêng bảo đảm chất lượng, phải có mã vùng trồng.
Tỉnh Đắk Nông hiện có 4.957 ha sầu riêng, trong đó có 1.858 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 10,9 tấn/ha, tổng sản lượng 19.163 tấn/vụ. Sầu riêng chủ yếu được nông dân thu hái quả già, sau đó tiêu thụ thông qua thương lái.
Sầu riêng Đắk Nông có chất lượng tốt, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, diện tích canh tác sầu riêng trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết theo chuỗi.
Sản phẩm sầu riêng của Đắk Nông xuất khẩu còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ nội địa hoặc bán cho thương lái vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp lớn bao tiêu, thu mua.
Bên cạnh đó, người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn canh tác bằng kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế. Phần lớn người dân chưa có thói quen lưu giữ, ghi chép nhật ký quá trình sản xuất sầu riêng; chưa được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Đây là những vấn đề đang được đặt ra, cần sớm có hướng khắc phục để sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch.
Trên 4 ha đất, ông Nguyễn Văn Thông, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức), trồng thuần hơn 700 cây sầu riêng giống Ri6, Monthong. Vụ sầu riêng năm 2022, ông có 300 cây cho thu hoạch, với sản lượng hơn 25 tấn quả.
Ông Thông bán sầu riêng với giá 40.000 đồng/kg, thương lái vào tận vườn mua. Vườn sầu riêng được ông quy hoạch bài bản, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa. Ông áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP, sử dụng phân, thuốc theo hướng hữu cơ.
Ông Thông cũng rất mong vườn sầu riêng sớm được cấp mã vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện tại, ông và 4 hộ dân khác sản xuất sầu riêng gần nhau, với diện tích 12 ha. Tất cả diện tích sầu riêng này đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch.
Tương tự, vườn sầu riêng Ri6 gần 2 ha của gia đình anh Trần Văn Huy, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil), đã cho thu hoạch năm thứ 6. Lâu nay, anh Huy chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua "kênh" thương lái, nội địa.
Vùng trồng sầu riêng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải có hệ thống quản lý chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt GAP. Sầu riêng phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh vườn cây, cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng.
Người sản xuất sầu riêng phải áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ sâu bệnh bằng chất sinh học và các biện pháp canh tác an toàn…
Tất cả vùng trồng sầu riêng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại. Hồ sơ này sẽ được cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác…
Người trồng sầu riêng, chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nước nhập khẩu là nguyên nhân chính dẫn đến sầu riêng của Đắk Nông chưa được cấp mã số vùng trồng.
Hiện nay, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã và đang kiểm tra, hướng dẫn 8 vùng sản xuất sầu riêng đăng ký cấp mã số vùng trồng, 1 cơ sở đăng ký cấp mã số đóng gói; hướng dẫn hoàn thiện 5 hồ sơ vùng trồng.
Để đáp ứng yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hiện nay đang được ngành Nông nghiệp thực hiện là tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các khâu an toàn trong sản xuất, đóng gói sầu riêng.
Các quy trình sản xuất sầu riêng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Tiêu chuẩn cơ sở 774/2020/BVTV và Tiêu chuẩn cơ sở 775/2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát mã vùng trồng, cơ sở đóng gói của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để đăng ký cấp mã số.
Ngành chức năng đang xây dựng chương trình tập huấn, truyền thông các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó chú trọng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng đúng quy trình canh tác, ghi chép hồ sơ, nhật ký trong quá trình sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ngành chức năng tập trung quản lý, giám sát chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc tổ chức sản xuất thành vùng trồng sầu riêng tập trung, quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng.
Ngành chức năng tổ chức liên kết sản xuất, thành lập và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất sầu riêng đáp ứng các yêu cầu, đăng ký để cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông trao đổi, mã vùng trồng như giấy thông hành để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp mã vùng trồng còn nhiều bất cập. Chính vì thế, Sở NN&PTNT đang phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp tại Đắk Mil, Đắk R’lấp, TP. Gia Nghĩa, với hơn 800 nông dân.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Vùng nguyên liệu Công ty TNHH –TMDV Vạn Hòa (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, có 2 vấn đề nông dân đặc biệt quan tâm hiện nay là kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng. Nhiều người dân quan tâm làm thế nào cho quả sầu riêng không rụng, đạt năng suất và làm sao để được cấp mã vùng trồng.
Về kỹ thuật, Công ty sẽ xuống từng vùng để triển khai cho bà con nông dân. Tùy theo từng vùng, Công ty sẽ có điều chỉnh kỹ thuật sao cho phù hợp. Đối với việc cấp mã vùng trồng, Công ty lấy các tổ chức nông dân, các HTX làm nền tảng để bảo đảm đủ diện tích. Khó khăn đến đâu, Công ty sẽ cùng nông dân, chính quyền địa phương tháo gỡ để đưa sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.