Không lơ là với chiến tranh thương mại
Trong bối cảnh chính sách thương mại đang biến động mạnh, chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy tại nhiều nền kinh tế lớn như hiện nay, nếu các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phớt lờ những thông tin thương mại quốc tế, thì có thể thiệt hại không nhỏ.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, trước đây môi trường kinh doanh thuận lợi nên phần lớn các DN trong nước dường như bỏ qua hoặc đánh giá thấp tác động của một số chính sách quan trọng có thể ảnh hưởng lên hoạt động của họ, đặc biệt khi các chính sách này thuộc các thị trường ở xa khu vực của mình.
Điều này được chứng minh bằng số liệu trong những lần khảo sát của Navigos trên toàn cầu. Lấy ví dụ cách đây 2 tháng, phần lớn DN tại châu Âu vẫn cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ hay Sáng kiến Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Còn đối với các DN tại Việt Nam, mặc dù châu Âu và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu, thế nhưng chỉ 31% số DN cho rằng môi trường chính sách tại châu Âu có ảnh hưởng tích cực lên DN của họ, trong khi 66% cho rằng không ảnh hưởng; 31% cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ có ảnh hưởng tích cực và 60% cho rằng không liên quan. Tương tự, 74% DN tại Việt Nam cho rằng NAFTA không ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của họ…
Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả trong môi trường thương mại thuận lợi, sự thờ ơ của DN có thể khiến họ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường, hay lớn hơn là khai phá một thị trường mới. Còn trong bối cảnh chính sách thương mại đang biến động mạnh, chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy tại nhiều nền kinh tế lớn như hiện nay, nếu các DN tiếp tục phớt lờ những thông tin thương mại quốc tế, thì có thể thiệt hại không nhỏ.
Mọi chuyện đang có vẻ trở nên nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng nổ thật sự. Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với nhiều nền kinh tế lớn khác như EU, Canada cũng vẫn có chiều hướng leo thang. Tất cả những điều đó, không nhiều thì ít, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến các DN Việt Nam do nền kinh tế đang hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới.
Đơn cử như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung, ở khía cạnh nào đó, người ta cho rằng Việt Nam sẽ có lợi thế xuất khẩu vào Mỹ (khi nước này đánh thuế cao đối với sản phẩm Trung Quốc) và có cơ hội nhập hàng giá tốt từ Trung Quốc (khi hàng hóa nước này không thể vào Mỹ và dự kiến tràn sang các nước lân cận). Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự đoán vì hàng hóa Việt Nam trước nay vào Mỹ vốn không dễ dàng. Tuy nhiên, DN Việt cũng có thể phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn khi hàng hóa của Trung Quốc tràn vào. Hay như việc Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm và thép cũng đã khiến EU triển khai cơ chế hạn ngạch và thuế quan để ngăn ngừa thép tràn vào khu vực. Điều đó cũng đồng nghĩa xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường này cũng sẽ khó khăn hơn.
Thừa nhận điều này TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra nhận định rằng mới chỉ có cuộc chiến Mỹ - Trung mà tính đến thời điểm này, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2019. Tương tự, tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm.
Cũng có cái nhìn tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt khẳng định, một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam luôn chịu tác động rất lớn bởi sự thay đổi trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo chuyên đề “Tác động của chính sách thương mại Mỹ: cảnh báo sớm từ tái đàm phán KORUS FTA”, nhóm phân tích này đã đề cập tới lo ngại về dòng vốn FDI có thể sẽ thấp hơn kỳ vọng trong các năm tới.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, báo cáo của Rồng Việt ghi nhận những dấu hiệu cảnh báo sự tăng trưởng chậm lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực sản xuất, khi tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đã giảm gần 20% so với cùng kỳ. Trong suốt 4 năm vừa qua, dòng vốn này bị lệ thuộc nhiều vào một số tập đoàn gia đình (Chaebols) đến từ Hàn Quốc, gồm Samsung và LG. Do đó, sự thay đổi trong bức tranh thương mại toàn cầu do chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới có lẽ đang khiến các DN cân nhắc lại kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Nói về các chính sách thương mại thay đổi, là DN bị ảnh hưởng trực tiếp, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên cũng đúc kết, mỗi DN trong nước đều xem việc mở rộng ra thị trường mới là phương thức quan trọng để tăng trưởng kinh doanh. Thế nhưng, DN cũng có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh nếu không nhận ra các chính sách thương mại đang thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào và cơ hội dành cho họ nằm ở đâu trong những năm tới. Trong thời điểm này, theo bà Mai, chỉ có DN nào đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các chính sách thương mại quốc tế mới có thể đứng vững.
Vì lẽ đó, lời khuyên của các chuyên gia là DN cần theo dõi sát biến động trên thị trường thế giới, những thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia đối tác, đặc biệt cần chuẩn bị cho mình những phương án để đối phó lại các biện pháp phòng vệ thương mại khi mà nhiều khả năng các nước sẽ tăng cường sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động hiện nay.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung không chỉ khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia trở nên phức tạp, mà dòng vốn đầu tư cũng bị xáo trộn. Theo đó, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo, DN trong nước cần theo dõi sát biến động thị trường toàn cầu cũng như chuẩn bị tốt mọi phương án để phòng ngừa rủi ro.