Không nhất thiết cứ phải là vốn rẻ

Theo thoibaonganhang.vn

Ngân hàng giảm lãi suất nhưng nếu vốn vay không được sử dụng hiệu quả thì sẽ gây tác động ngược.

Các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn để giảm lãi suất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn để giảm lãi suất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Xuyên suốt chỉ đạo qua các Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua đều nhấn mạnh tới việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cố gắng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn để giảm lãi suất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh hạ lãi suất huy động (LSHĐ) từ 0,3-0,5%/năm, đây là cơ sở để cân đối giảm lãi suất cho vay (LSCV). Thậm chí có ngân hàng không công bố điều chỉnh LSHĐ nhưng lại bất ngờ giảm LSCV.

Cụ thể, HDBank vừa thông báo sẽ giảm LSCV đối với tất cả các khách hàng nhưng mức giảm tùy theo đối tượng khách hàng. Với khách hàng cá nhân vay mới, nhà băng này giảm lãi 1%/năm từ mức tối đa 11,5%/năm xuống 10,5%/năm.

Khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, trung và dài hạn cố định năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm. Quy mô chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi mà HDBank triển khai lên tới 18.000 tỷ đồng.

Cơ sở để HDBank quyết định giảm LSCV khá mạnh được Phó Tổng giám đốc HDBank TS. Lê Thành Trung chia sẻ: đó là nguồn huy động dồi dào từ đầu năm đến nay, cùng với khả năng quản trị điều hành tốt, hiệu quả, đảm bảo chất lượng tín dụng tốt, khống chế nợ xấu bằng một nửa chỉ tiêu (1,6% - PV), đặc biệt ngân hàng tiết kiệm chi phí vận hành.

“Việc giảm được LSCV là một cố gắng rất lớn của các TCTD nói chung, trong đó có HDBank. Làm sao để cung ứng ra thị trường doanh nghiệp, người dân một lượng vốn với lãi suất hợp lý, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Đây là một chủ trương định hướng cần có sự đồng thuận trong hệ thống”, TS. Trung nhấn mạnh.

 Các chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng giảm lãi suất là động thái tích cực, nhưng tùy theo khả năng của mỗi ngân hàng chứ không thể gượng ép yêu cầu tất cả các ngân hàng đều phải giảm lãi suất. Vì sức khỏe các ngân hàng khác nhau, khẩu vị rủi ro khác nhau… nên có ép cũng không được.

Rõ ràng, ngân hàng khỏe với thanh khoản dồi dào thì có điều kiện giảm lãi suất. Còn ngân hàng chưa được như vậy thì buộc phải duy trì lãi suất hoặc cho chương trình khuyến mại kèm theo để giữ chân khách hàng. Và quan trọng hơn, diễn biến lãi suất phụ thuộc điều tiết của thị trường.

Theo quan điểm của một chuyên gia, với những ngân hàng quy mô nhỏ, uy tín không cao bằng các ngân hàng lớn, nhất là nhu cầu vốn vào cuối năm tăng cao, chẳng dại gì họ tham gia cuộc đua giảm LSHĐ.

Bởi lẽ, họ đã tính toán đến phương án dòng tiền sẽ chảy ngược ra khỏi ngân hàng của họ chuyển sang các ngân hàng lớn. Như vậy họ rất dễ rơi vào bẫy thanh khoản - vấn đề mà các ngân hàng đã tránh được khá tốt trong thời gian qua.

Đối với những ngân hàng lớn thì ngược lại, dù có giảm lãi suất, nhưng nếu người gửi tiền xét tính rủi ro, an toàn cho khoản tiền gửi của mình thì mức chênh lệch lãi suất từ các ngân hàng nhỏ không đủ sức kích động dòng tiền chảy từ ngân hàng lớn qua ngân hàng nhỏ.

Về phía người đi vay, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đưa ra quan điểm: Đối với doanh nghiệp cũng phải sòng phẳng như ngân hàng bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp độ rủi ro ít, đương nhiên được tiếp cận lãi suất thấp.

Còn đối với doanh nghiệp hoạt động kém hơn, rủi ro nhiều hơn thì phải chấp nhận vay lãi suất cao hơn vì ngân hàng phải “phòng thủ” rủi ro cho các khoản vay của mình, có chi phí để xử lý nếu khoản nợ đó chuyển thành nợ xấu. Giả sử, ngân hàng “chiều lòng” thị trường nhưng nếu nợ xấu phát sinh, trong khi nợ xấu cũng họ đang trầy trật xử lý, thì ai sẽ gánh thay?

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: với mức LSHĐ đảm bảo thực dương cao như hiện nay thì các ngân hàng không thể mạnh tay giảm LSCV được. Theo tính toán của vị chuyên gia này, NIM của ngân hàng hiện chỉ ở mức 2% mà truyền thống phải là 3%, nếu mỏng hơn nữa chắc chắn ngân hàng không chịu nổi và đẩy các ngân hàng vào thế khó khăn, từ đó sẽ tác động ngược đến nền kinh tế.

Như chia sẻ của Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) thì chưa bao giờ thấy cuộc cạnh tranh khách hàng lại gay gắt như thời điểm này. Với những doanh nghiệp tốt, nhiều ngân hàng sẵn sàng chấp nhận hòa vốn thậm chí còn thấp hơn cả LSHĐ để cho vay. Vì thế, theo vị này, khi ngân hàng hiện thực hóa lời hứa giảm lãi suất thì cũng không gò ép mà để thị trường hấp thụ một cách tự nhiên, nếu không sẽ lại phản tác dụng.

Đồng quan điểm, TS. Lê Thành Trung cho rằng, NHNN thực hiện đúng lời hứa làm sao kéo giảm lãi suất cho nền kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp và người dân. Vấn đề còn lại là người vay sử dụng đồng vốn ra sao, khả năng trả nợ thế nào… lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng làm được.

Ví như nếu ngân hàng có cố gắng giảm LSCV bao nhiêu đi nữa, mà hàng ngoại nhập khẩu cứ tràn vào làm sao ngành sản xuất Việt Nam vươn lên được. Hay cứ hô hào giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp cứ nhập khẩu máy móc thiết bị lạc hậu thì hàng hóa sản xuất ra có giá trị gia tăng thấp, không ai mua… thì dù lãi suất thấp đến mấy cũng không giải quyết vấn đề gì.

Việc ngân hàng giảm lãi suất là tiền đề rất quan trọng bởi ngân hàng vốn được ví như là bà đỡ của nền kinh tế, đang cung ứng vốn với “giá” tương đối phù hợp so với các nước trong khu vực. Song vấn đề còn lại là sự phát triển nền kinh tế, doanh nghiệp phấn đấu ngang tầm khu vực thì nguồn vốn đó mới phát huy hiệu quả.

Để làm được điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị với cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp như chính sách về nông nghiệp, đầu tư xây dựng công trình trọng điểm, khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa.