Không phải Việt Nam, iPhone tiếp theo của Apple sẽ được sản xuất ở Mexico?
Theo Reuters, Foxconn và Pegatron hiện là một trong số những công ty đang nhắm tới việc xây nhà máy mới ở Mexico, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Các kế hoạch của Foxconn và Pegatron có thể dẫn tới hàng tỷ USD vốn đầu tư, 'một nguồn sống' mới sẽ nuôi dưỡng nền kinh tế lớn thứ hai của Mỹ Latinh trong vài năm tới.
Foxconn và Pegatron được biết đến là những nhà thầu chính cho một số nhà sản xuất điện thoại bao gồm Apple. Hiện chưa rõ họ sẽ làm việc với những công ty nào ở Mexico.
Theo hai nguồn tin của Reuters, Foxconn đang có kế hoạch sử dụng nhà máy mới ở Mexico để sản xuất iPhone của Apple. Tuy nhiên, một nguồn tin khác lại cho biết, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Apple sẽ tham gia trực tiếp vào kế hoạch này.
Foxconn có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về một nhà máy mới vào cuối năm nay và công việc sẽ bắt đầu sau đó. Người phát ngôn của Apple, Josh Rosenstock đã từ chối bình luận về điều này.
Trong khi đó, Pegatron cũng đang thảo luận về kế hoạch xây mới một nhà máy bổ sung ở Mexico, chủ yếu để lắp ráp chip và các linh kiện điện tử khác, những người giấu tên cho biết cuộc đàm phán này là bí mật. Hiện phía Pegatron cũng từ chối bình luận.
Foxconn có 5 nhà máy ở Mexico, chủ yếu sản xuất ti vi và máy chủ. Khả năng mở rộng của công ty này sẽ đánh dấu sự dịch chuyển rộng hơn và dần dần tách rời chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19.
Theo Reuters, lý do cho các kế hoạch này là do chính quyền ông Trump đang đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các công ty chuyển các cơ sở sản xuất từ châu Á sang Mỹ, Mỹ Latinh và Caribe.
Không chỉ nhờ vào hiệp định thương mại tự do với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, Mexico cũng đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi như địa lý, mức lương thấp và múi giờ phù hợp. Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu và những lo ngại về môi trường kinh doanh dưới thời Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, dữ liệu của chính phủ cho thấy đầu tư nước ngoài tại Mexico vẫn ổn định trong năm nay.
"Công ty thực sự đã liên hệ với chính phủ Mexico", một nguồn tin cho biết về Foxconn. Người này nói thêm rằng các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu và việc các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng ở Mexico chính là mối quan tâm lớn nhất đối với kế hoạch này.
Foxconn có trụ sở chính tại Đài Bắc, có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry Co Ltd. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng, mặc dù họ sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động toàn cầu và là một "nhà đầu tư tích cực" ở Mexico, nhưng hiện tại Foxconn không có kế hoạch gia tăng các khoản đầu tư đó.
Reuters vào tháng 7 đưa tin Foxconn đã lên kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD để mở rộng một nhà máy ở Ấn Độ, nơi tập đoàn sẽ lắp ráp iPhone của Apple.
Chủ tịch Foxconn Liu Young-way phát biểu tại một hội nghị đầu tư ở Đài Bắc rằng thế giới đã chia thành "G2" (hai nhóm thế lực) sau căng thẳng Trung-Mỹ và cho biết công ty của ông đang làm việc để "cung cấp hai bộ chuỗi cung ứng nhằm phục vụ hai thị trường này".
Ông Liu nói: "Công xưởng thế giới không còn tồn tại nữa", lưu ý rằng khoảng 30% sản phẩm của công ty hiện được sản xuất bên ngoài Trung Quốc và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên.
Chi nhánh Sharp của Foxconn nói rằng họ đang đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất tivi tại Mexico. Sharp vào năm ngoái đã xây một nhà máy ở Việt Nam nhằm chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ngoài ra, Luxshare Precision Industry của Trung Quốc cũng đang cân nhắc xây nhà máy ở Mexico trong năm nay. Hiện chưa rõ dây chuyền sản xuất nào được Luxshare cân nhắc sản xuất tại đây.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mexico, đại diện cho chính phủ Đài Loan tại quốc gia này, cho biết họ đã nghe tin Foxconn quan tâm đến việc xây dựng một nhà máy khác ở Ciudad Juarez, thuộc bang biên giới phía bắc Chihuahua.
Tuy nhiên, quy mô đầu tư của các nhà sản xuất điện tử châu Á và những gì mà họ sẽ mang lại cho Mexico vẫn chưa hề rõ ràng. Những hứa hẹn đầu tư vào năng lực sản xuất không phải lúc nào cũng thành hiện thực.
Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Foxconn sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ USD với hơn 13.000 công nhân để sản xuất màn hình LCD ở bang Wisconsin.
Mặc dù vậy, những kế hoạch đó đã thay đổi đáng kể. Năm 2019, công ty đã hạ quy mô nhà máy xuống. Vào tháng 4, Foxconn cho biết họ sẽ sản xuất máy thông gió tại nhà máy này với sự hợp tác của Medtronic.