Khu đô thị công nghiệp tại Việt Nam: Xu hướng và định hướng quy hoạch phát triển
Phát triển khu đô thị công nghiệp đang nổi lên như là một trong các xu hướng nổi bật trong phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Việc phát triển các khu đô thị công nghiệp mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Xu hướng phát triển các khu đô thị công nghiệp tại Việt Nam
Trong vòng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã phát triển một số lượng lớn các Khu công nghiệp (KCN) trên khắp cả nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến cuối tháng 3/2021, cả nước hiện có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 119,9 nghìn ha (trên tổng thể 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Trong số 392 KCN đã thành lập, có 286 KCN đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 85,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,3 nghìn ha và 106 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34,7 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 18,2 nghìn ha.
Những địa phương phát triển mạnh các KCN bao gồm: Bình Dương (gần 10.000ha), Đồng Nai (gần 9.000 ha); Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 5.000 ha), Bắc Ninh (khoảng 2.800 ha), Hải Phòng (khoảng 2.200 ha). Trong đó, tỉnh Bình Dương có số lượng các khu công nghiệp (29 khu), cụm công nghiệp (12 cụm công nghiệp) nhiều nhất với gần 10.000 ha.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp trên khắp cả nước đã giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước (trung bình hàng năm khoảng 5 tỷ USD); giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, chiếm 7,3% lực lượng lao động của cả nước; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế hàng năm chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Mặc dù các KCN phát triển với quy mô và số lượng lớn, nhưng số lượng các khu đô thị công nghiệp còn rất hạn chế. Hiện toàn quốc chỉ có khoảng 20 khu triển khai theo hình thức này của một số nhà đầu tư lớn như VSIP, Becamex, Amata…Một số khu tiêu biểu có thể kể tới như: Khu đô thị và công nghiệp VSIP 2 Bình Dương (nằm trong Khu đô thị Liên hiệp TP Mới Bình Dương, quy mô 4196 ha); Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Bắc Ninh với tổng diện tích quy hoạch 700 ha; Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Hải Phòng có quy mô gần 1600 ha…
Số lượng hạn chế các khu đô thị công nghiệp tính đến thời điểm này có nguyên nhân chủ yếu là việc phát triển các khu đô thị công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, cùng với đó là do nhu cầu thực tế của thị trường trong từng giai đoạn phát triển công nghiệp và đặc biệt là do còn thiếu những quy định pháp lý, hướng dẫn đầy đủ cho việc phát triển loại hình này.
Các khu đô thị công nghiệp với đặc điểm là có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cảnh quan và vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm phát triển, nên đã giải quyết được các vấn đề về nhà ở cho công nhân, đảm bảo tiện ích xã hội phục vụ cuộc sống của người lao động trong các khu công nghiệp từ đó nâng cao được tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của các dự án, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia.
Như vậy có thể thấy, việc phát triển các khu công nghiệp đô thị là xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Nó phản ánh nhu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp thông qua việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch và thông minh hơn, nó cũng giúp sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, bảo vệ môi trường và xây dựng môi trường sống tốt cho công nhân và cộng đồng xung quanh. Hiện nay hầu hết các khu công nghiệp ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn 2 và 3 theo mô hình phát triển các khu đô thị công nghiệp. Giai đoạn tới sẽ chứng kiến nhiều dự án đô thị công nghiệp mới được hình thành cũng như nhiều dự án công nghiệp hiện có chuyển đổi mô hình để thu hút làn sóng đầu tư mới ở giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid - 19.
Một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình quy hoạch phát triển
Trong giai đoạn tới sẽ ngày càng có nhiều các khu đô thị công nghiệp được hình thành từ việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống hiện có cũng như phát triển mới trong hệ thống các khu công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sẽ không dễ dàng để phát triển các khu đô thị công nghiệp trong điều kiện hiện nay. Hiện vẫn đang tồn tại rất nhiều khó khăn và bất cập cho quá trình phát triển các khu đô thị công nghiệp tại Việt Nam bao gồm thiếu những định hướng quy hoạch tổng thể cho các khu đô thị công nghiệp tại các địa phương; hành lang pháp lý để phát triển các khu đô thị công nghiệp chưa đầy đủ; yêu cầu quỹ đất phát triển và nhu cầu vốn đầu tư xây dựng lớn; khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật; khả năng thu hút lao động và dân cư…
Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về Quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định đã đưa ra khái niệm về Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, theo đó Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ bao gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp.
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ra đời là tiền đề và sẽ mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ các khu đô thị công nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, những quy định về phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Nghị định này mới chỉ dừng lại ở các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục quy hoạch và đầu tư, ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mà chưa có các quy định cụ thể về phân cấp quản lý, tiêu chí đánh giá, hướng dẫn chuyển đổi chức năng…nên có thể sẽ gây nhiều khó khăn khi triển khai thực tế để phát triển mới các khu đô thị công nghiệp hoặc chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu đô thị công nghiệp.Thực tế phát triển của các khu đô thị công nghiệp hiện nay ở Việt Nam cho thấy nhu cầu sử dụng đất rất lớn, rất nhiều khu đô thị công nghiệp đang trong quá trình thành lập, đề xuất quy mô diện tích từ vài trăm cho đến hàng nghìn ha, yếu tố này sẽ gây áp lực rất lớn đến việc quản lý dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nếu như không xem xét lồng ghép việc phát triển các khu đô thị công nghiệp này vào tổng thể quy hoạch phát triển của địa phương. Việc lồng ghép tích hợp này còn giúp lãnh đạo địa phương có một tầm nhìn tốt hơn trong phát triển công nghiệp của tỉnh cũng như lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp với dự án.
Một vấn đề khác cũng cần nghiên cứu xem xét trong quá trình phát triển khu đô thị công nghiệp là việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có trở thành các khu đô thị công nghiệp nhằm đáp ứng khả năng thu hút đầu tư, đáp ứng các yêu cầu về nhà ở, tiện ích xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp cũng như cho các khu vực lân cận. Một ví dụ minh hoạ, vừa qua tỉnh Hải Dương đã đề nghị chuyển khu đô thị Đại An thành khu đô thị công nghiệp. Khu công nghiệp Đại An mở rộng hiện đã cho thuê hơn 104,5 ha, chiếm 85% diện tích đất công nghiệp giai đoạn một. Việc chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu đô thị công nghiệp sẽ giúp đáp ứng yêu cầu mở rộng thu hút đầu tư cũng như cung cấp nhà ở và các dịch vụ tiện ích cho công nhân và cư dân trong và xung quanh khu công nghiệp. Việc chuyển đổi cũng có thể được xem xét cho các khu công nghiệp mà khả năng thu hút đầu tư kém, tỷ lệ lấp đầy quá thấp nhằm nâng cao sức hấp dẫn cho khu công nghiệp, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có.
Ngoài các vấn đề chính đã nêu trên, những vấn đề như thu hút lao động và dân cư, kết nối hạ tầng kỹ thuật, vấn đề liên kết liên vùng… cũng cần được xem xét trong quá trình quy hoạch phát triển khu đô thị công nghiệp.
Định hướng quy hoạch phát triển các Khu đô thị công nghiệp tại Việt Nam
Quy hoạch các khu đô thị công nghiệp nhằm hướng tới một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa nhu cầu phát triển công nghiệp với việc cung cấp các dịch vụ xã hội đi kèm, bao gồm không gian ở và các công trình tiện ích. Nó cũng giúp tăng cường hiệu quả sử dụng đất (gắn khu vực đất ở với khu công nghiệp), hiệu quả sử dụng năng lượng, thoát nước bền vững và kiểm soát môi trường… Để đáp ứng các yêu cầu phát triển, giải pháp quy hoạch cần đi từ quy hoạch phát triển các khu công nghiệp quốc gia, tổng thể của địa phươngđến các quy hoạch chi tiết về không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường.
Để phát triển các dự án đô thị công nghiệp trong giai đoạn này, cần thiết phải cập nhật các dự án mở rộng hoặc phát triển mới các khu đô thị công nghiệp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà 63 tỉnh thành phố đang triển khai theo Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 để xem xét một cách toàn diện những tác động của việc phát triển các khu công nghiệp đô thị đến các vấn đề kinh tế - xã hội, tổ chức không gian, sử dụng đất, bảo vệ môi trường. Việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh cũng cho phép đánh giá và kiểm soát việc phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hoá tại các địa phương, hạn chế việc đưa quá nhiều diện tích đất vào phát triển so với nhu cầu. Quy hoạch các khu đô thị công nghiệp lớn cũng cần xem xét đến các vấn đề liên kết liên vùng, đặc biệt với các khu đô thị công nghiệp giáp ranh với các đô thị lớn để tránh tình trạng lấp đầy khu công nghiệp nhưng khu đô thị không thu hút được cư dân tới sinh sống.
Đối với định hướng quy hoạch sử dụng đất khu đô thị công nghiệp, cần xác định quy mô đất công nghiệp, đất ở và các loại đất hạ tầng xã hội trong tổng thể quy hoạch sử dụng đất của tỉnh (với chỉ tiêu đất công nghiệp được phân bổ từ cấp quốc gia). Nhu cầu sử dụng đất đòi hỏi luận chứng chính xác gắn với dự báo quy mô dân số, lao động của địa phương để hạn chế việc đề xuất quá nhiều quỹ đất gây nên tình trạng quy hoạch treo hoặc không thể lấp đầy dự án cũng như không được thu hút lao động, cư dân tại các khu vực này.
Các chức năng sử dụng đất cũng cần được định hướng quy hoạch một cách linh hoạt. Ví dụ như các khu vực đất ở hỗn hợp sẽ cho phép phát triển đa dạng các loại hình nhà ở tuỳ theo nhu cầu của thị trường, các lô đất công nghiệp bố trí linh hoạt kích thước, diện tích để có thể dễ dàng kết hợp tuỳ theo nhu cầu của nhà đầu tư cũng như tận dụng được được các đặc điểm tự nhiên của khu đất, hoà nhập với các yếu tố phát triển xung quanh và các khoảng mở công cộng.
Trường hợp các khu công nghiệp hiện có chuyển đổi một phần hoặc mở rộng trở thành các khu đô thị công nghiệp, diện tích đất ở và các chức năng hạ tầng xã hội cũng cần được xem xét và đánh trên quy hoạch tổng thể của địa phương và tình hình phát triển thực tế của khu công nghiệp, tập trung vào vấn đề giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân, mở rộng quỹ đất công nghiệp cho thuê trong trường hợp hết quỹ đất hoặc chuyển đổi đất công nghiệp thành đất ở trong trường hợp khu công nghiệp hoạt động không hiệu quả cần có sự chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra động lực phát triển mới cho khu công nghiệp.
Bên cạnh định hướng quy hoạch sử dụng đất thì định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị công nghiệp cũng đặc biệt quan trọng. Khác với hạ tầng khu công nghiệp truyền thống hay hạ tầng khu đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị công nghiệp là sự kết hợp của 2 loại hình này. Hạ tầng khu công nghiệp truyền thống ngoài việc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chung thì yếu tố chi phí đầu tư đặc biệt quan trọng. Suất đầu tư thường được các Chủ đầu tư xây dựng thấp nhất có thể để làm giảm giá thành cho thuê, tối ưu hoá lợi nhuận nên không quá chú trọng đến yếu tố cảnh quan như thiết kế hệ thống đường điện, thông tin liên lạc đi nổi, ít chú trọng thiết kế hệ thống cây xanh, cảnh quan…. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị còn cần xem xét đến yếu tố cảnh quan chung cũng như đặt ra nhiều yêu cầu về vấn đề môi trường gắn với xu thế phát triển bền vững.
Như vậy, yêu cầu đặt ra trong quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị công nghiệp bên cạnh việc phân tách rõ ràng hệ thống của 2 khu vực công nghiệp và đô thị (vì những yêu cầu kỹ thuật đối với từng hệ thống là khác nhau) thì cần chú ý đến vấn đề kết nối giữa 2 hệ thống cũng như đảm bảo các yếu tố cảnh quan nhằm hướng tới một khu đô thị công nghiệp xanh, sạch, văn minh, hiện đại với đầy đủ tiện ích hạ tầng xã hội đi kèm.
Cùng với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành là đòi hỏi tất yếu đối với các khu đô thị công nghiệp hiện đại. Để thực hiện được điều đó, quá trình quy hoạch cần có những dự báo, tính toán cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông trong khu đô thị công nghiệp. Cơ sở dữ liệu của Khu đô thị công nghiệp cũng cần được số hoá ngay từ các giai đoạn quy hoạch, thiết kế ban đầu, làm nền tảng cho việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin quản lý sau này. Điều này cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, góp phần xây dựng và hình thành nên các khu đô thị công nghiệp thông minh trong tương lai ở Việt Nam.