Khu vực “kinh tế ngầm” sẽ được đưa ra ánh sáng

PV.

Các hoạt động “kinh tế ngầm” tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh, quy mô được cho là có thể tương đương 25-30% GDP. Để có giải pháp kiểm soát tốt các hoạt động này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó thống kê khu vực “kinh tế ngầm”…

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các hoạt động “kinh tế ngầm”, hay các hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát đều liên quan tới vấn đề chuyển dịch dòng tiền không theo kênh chính thức, ví dụ: giao dịch rửa tiền, buôn lậu, trao đổi hàng hóa, thỏa thuận mua bán... Gắn với các hoạt động ngầm là sự kết nối với thế giới tội phạm, những hoạt động phạm pháp.

Hoạt động “kinh tế ngầm” rất phức tạp, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, gây bất lợi cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh trung thực; không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Quan niệm thế nào là hoạt động "kinh tế ngầm", kinh tế bất hợp pháp… và cách thu thập thông tin như thế nào cũng khác nhau ở các quốc gia. Việc thống kê khu vực "kinh tế ngầm" và kinh tế phi pháp là rất khó khăn, ngay cả với các nước phát triển. Một nghiên cứu của Đại học Fulbright cho biết, quy mô nền “kinh tế ngầm” ở Việt Nam tương đương 25-30% GDP. Tuy nhiên, đại điện Tổng cục Thống kê lại không đồng thuận với con số nêu trên.

Theo quan điểm của Liên hiệp quốc, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm (các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động giấu giếm, không khai báo với mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, không nộp thuế trị giá gia tăng…); Hoạt động kinh tế bất hợp pháp (hoạt động bị pháp luật cấm như buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm…); Hoạt động kinh tế phi chính thức (các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ; quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động với người lao động thường trên cơ sở thỏa thuận tạm thời, không ký kết hợp đồng lao động…); Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu (tự sản xuất để tiêu dùng và tích lũy) và Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Tổng cục Thống kê đánh giá, rất khó thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và khi các thành tố nêu trên theo quan điểm của Liên hiệp quốc chưa được đo đếm vào GDP sẽ không thể thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng thế nào đến quy mô nền kinh tế.

Để kiểm soát khu vực “kinh tế ngầm”

“Kinh tế ngầm” đã được chú ý từ lâu nhưng đến nay chưa có một điều tra thống kê chính thức đầy đủ nào về khu vực này. Để giảm thiểu hoạt động khu vực kinh tế này, đòi hỏi nhiều hành động cụ thể của Chính phủ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 7/9/2018).

Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm và tiến độ thực hiện để xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xác định căn cứ xây dựng đề án; nghiên cứu sự cần thiết; xây dựng phương án thu thập thông tin; đề xuất các giải pháp để thống kê được các hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì đề xuất các định hướng, giải pháp, cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) chủ trì đề xuất các chính sách liên quan đến thuế nhằm mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn thất thu thuế; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì đề xuất các giải pháp thống kê đối với hoạt động xuất nhập khẩu chưa được ghi chép trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Việc Chính phủ ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát đang được dư luận ủng hộ vì nếu có thể đo lường và tính toán đầy đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ đánh giá toàn diện nền kinh tế, từ đó, giúp Chính phủ hoạch định chính sách sát thực hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc ban hành các chính sách, các quy định, chế tài đủ mạnh và thực thi nghiêm thì theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, cần có các biện pháp để khuyến khích các tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước chuyển sang hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách và có giải pháp giảm thiểu các giao dịch kinh tế dùng tiền mặt, mọi hoạt động thanh toán thông qua thẻ của hệ thống ngân hàng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin để điều tra, kiểm soát hoạt động khu vực “kinh tế ngầm”.