Khu vực nông thôn: "Mỏ vàng" hút khách du lịch
Tiềm năng khu vực nông thôn đang là nguồn tài nguyên, “mỏ vàng” thu hút khách du lịch tại nhiều địa phương. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng giúp nhiều vùng quê 'thay da, đổi thịt', từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.
OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ du lịch"
Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân (Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (Gia Lâm) sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách.
Khách du lịch khi đến với xã Hồng Vân sẽ được tham quan, trải nghiệm các hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP trà thảo mộc chùm ngây, kim ngân hoa, thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc, chụp ảnh tại các vườn hoa, cây cảnh... Vào dịp lễ Tết, địa phương còn có thêm hoạt động lễ hội hấp dẫn như lễ hội hoa xuân, lễ hội bánh trôi bánh chay…
Thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP nên điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân đã được UBND TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng chia sẻ, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhiều người đã biết đến điểm du lịch Hồng Vân nhiều hơn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay xã Hồng Vân đã đón 150.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng…
Tương tự, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha tại xã Phù Đổng (Gia Lâm) đã được công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao cũng đang hoạt động hiệu quả. Ông Phạm Xuân Thông, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phù Đổng Green Park cho hay, từ cuối năm 2022 đến nay, sau khi được UBND TP. Hà Nội công nhận là điểm du lịch đạt chất lượng OCOP 4 sao và được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, khu sinh thái Phù Đổng Green Park đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các điều kiện phục vụ du khách, nhằm khai thác và phát huy thế mạnh của mình.
Theo đó, Công ty đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thành các điều kiện bảo đảm an toàn trong khai thác du lịch. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên, cộng tác viên theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch. Phối hợp với hơn 50 đơn vị lữ hành tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ… để xây dựng và khai thác các tour, tuyến.
Từ đầu năm 2023 đến nay, khu sinh thái Phù Đổng Green Park đón khoảng 65.000 lượt khách, trong đó có khoảng 50.000 lượt học sinh, 15.000 lượt khách đi theo cơ quan, doanh nghiệp và khách lẻ. Sự phát triển của khu du lịch sinh thái đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn thông tin, hiện TP. Hà Nội có 11 trang trại hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái. Ngoài ra còn có các hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ; điêu khắc, mỹ nghệ Sơn Đồng… cũng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.
Đánh thức "mỏ vàng" nông thôn
Nhưng thực tế cho thấy, du lịch làng nghề ở Hà Nội vẫn đang theo hướng phát triển tự phát, khá rời rạc, chưa tương xứng với tiềm năng. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch…
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do việc hình thành các mô hình chưa gắn với quy hoạch nông thôn. Cơ chế quản lý chưa bắt nhịp được với nhu cầu của xã hội. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái chưa sát với thực tế… Do đó cần có những giải pháp hiệu quả để khai thác, đánh thức "mỏ vàng" nông thôn.
Để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi cơ quan quản lý xây dựng chính sách cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, khai thác điểm đến. Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn, cũng như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở thu gom và xử lý rác…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn, từ đó thống nhất cách thức quản lý; đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế nhằm huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.
TS. Đào Đức Huấn, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng người dân bản địa và các tiêu chí về hạ tầng. Theo ông Huấn, phát triển du lịch nông thôn cần có giao thông thuận tiện, môi trường bảo đảm, các cơ sở dịch vụ hạ tầng tốt, quản lý rác thải tốt, và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.
Còn TS. Đoàn Mạnh Cương (Vụ Văn hóa-Giáo dục, Văn phòng Quốc hội) thì đề cao sự cân bằng giữa lợi ích của người dân địa phương với du khách để có hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp. Bên cạnh đó, chính sách phát triển du lịch và việc xây dựng hoạt động du lịch để du khách trải nghiệm cũng rất quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền từng cho biết, Lãnh đạo TP. Hà Nội luôn trăn trở, làm sao để nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái, thu hút du khách trong nước, quốc tế.
TP. Hà Nội kỳ vọng việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn bám sát tiến trình đô thị hóa…