Khủng hoảng ngân hàng Mỹ: Theo nghiên cứu, gần 190 ngân hàng có thể sụp đổ
Tuần trước, First Republic Bank đã trở thành ngân hàng thứ ba sụp đổ và là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ sau Washington Mutual, sụp đổ vào năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính.
Với sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực kể từ tháng 3 và một ngân hàng khác đang đứng trên bờ vực sụp đổ (PacWest Bancorp), liệu nước Mỹ có sớm chứng kiến một loạt các vụ đổ vỡ ngân hàng?
Theo thông tin từ Bloomberg, PacWest Bancorp có trụ sở tại San Francisco đang cân nhắc việc bán mình.
Tuần trước, First Republic Bank đã trở thành ngân hàng thứ ba sụp đổ, vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ sau Washington Mutual, sụp đổ vào năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính.
Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và First Signature Bank vào tháng 3, một nghiên cứu về sự mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ cho thấy, 186 ngân hàng có nguy cơ phá sản ngay cả khi chỉ một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm tiền gửi quyết định rút tiền (những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ mất một phần khoản tiền gửi của họ nếu ngân hàng sụp đổ và vì vậy họ dễ có động lực để rút tiền).
Tiền gửi không được bảo hiểm là tiền gửi của khách hàng lớn hơn giới hạn bảo hiểm tiền gửi 250.000 USD của Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Tại sao các ngân hàng khu vực sụp đổ?
Các ngân hàng khu vực đổ vỡ được cho là bởi ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát, khiến xói mòn giá trị của các tài sản ngân hàng như trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Hầu hết các trái phiếu trả lãi suất cố định sẽ trở nên hấp dẫn khi lãi suất giảm, thúc đẩy nhu cầu cũng như giá của trái phiếu. Ngược lại, nếu lãi suất tăng, các nhà đầu tư sẽ không còn thích hình thức trả lãi suất cố định thấp hơn của trái phiếu, do đó làm giảm giá các trái phiếu này.
Theo Fed chi nhánh St. Louis, nhiều ngân hàng đã tăng nắm giữ trái phiếu trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi tiền gửi dồi dào nhưng nhu cầu cho vay và lợi suất thấp.
Đối với nhiều ngân hàng, những khoản lỗ chưa thực hiện này sẽ nằm trên giấy tờ. Nhưng những ngân hàng khác có thể đối mặt với thua lỗ thực tế nếu phải bán đi vì gặp khó khăn về thanh khoản hoặc các lý do khác.
“Sự sụt giảm gần đây về giá trị tài sản ngân hàng đã làm tăng đáng kể sự mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ đối với những người gửi tiền không được bảo hiểm”, một bài báo nghiên cứu gần đây đăng trên Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội nhận định.
Các nhà kinh tế viết: “Vì vậy, các tính toán của chúng tôi cho thấy các ngân hàng này chắc chắn có nguy cơ bị rút tiền nếu không có sự can thiệp hoặc được tái cấp vốn của chính phủ”.
Silicon Valley Bank sụp đổ như thế nào?
Trong trường hợp của Silicon Valley Bank có trụ sở tại Santa Clara, bang California, ngân hàng nắm giữ phần lớn tài sản của mình bằng trái phiếu chính phủ Mỹ, giá trị thị trường của trái phiếu giảm khi lãi suất bắt đầu tăng.
Thời điểm đó lại trùng đúng với lúc nhiều khách hàng của ngân hàng, chủ yếu là các công ty khởi nghiệp công nghệ, cũng gặp phải những khó khăn tài chính, buộc họ phải rút tiền gửi.
Ngoài ra, Silicon Valley Bank có tỷ lệ nguồn vốn không được bảo hiểm không tương xứng, chỉ có 1% nguồn vốn của ngân hàng được bảo hiểm, bài báo lưu ý. "Kết hợp lại, các khoản lỗ cùng với đòn bẩy không được bảo hiểm tạo ra động cơ thúc đẩy cuộc tháo chạy của người gửi tiền không được bảo hiểm tại SVB."
Các nhà kinh tế viết: Việc tháo chạy khỏi các ngân hàng này có thể gây rủi ro cho cả những người gửi tiền được bảo hiểm - những người có từ 250.000 USD trở xuống trong ngân hàng - khi quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC bắt đầu phát sinh lỗ.