Khủng hoảng tài chính 1998 khó tái diễn
(Tài chính) Dù có nhiều điểm chung với cuộc suy thoái 16 năm trước, các thay đổi quan trọng về chính sách tỷ giá, dự trữ ngoại hối, vay nợ sẽ giúp thế giới tránh được nguy cơ này.
Giá dầu lao dốc, tiền tệ các nước mới nổi rơi tự do, Venezuela quay cuồng trong khủng hoảng tài chính và Nga thì vỡ nợ. Đó là tình cảnh của năm 1998.
Các nước mới nổi hiện nay tương đối giống thời điểm đó. Tuy nhiên, tình hình đã có nhiều thay đổi quan trọng có thể giúp phần lớn các quốc gia thoát khỏi khủng hoảng. Bloomberg đã phân tích những điểm giống và khác nhau giữa ngày đó và hiện tại.
Một trong những điểm giống là giá dầu đi xuống. Dầu thô đã giảm 48% từ tháng 6, về 55 USD mỗi thùng, khiến các nước xuất khẩu, từ Venezuela đến Nga, Nigeria đều lao đao. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro cho thấy có tới 97% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm. Trong khi đó, kinh tế Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, được dự báo co lại tới 4,7% năm sau, nếu giá dầu duy trì tại 60 USD một thùng.
Nội tệ các nước mới nổi cũng đang lao dốc. Chỉ số của Bloomberg theo dõi tiền tệ 20 nước mới nổi được giao dịch nhiều nhất thế giới đã xuống đáy 11 năm hôm qua. Rouble Nga cũng lập đáy mới so với USD. Lira Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp nhất mọi thời đại. Còn rupiah Indonesia quay về mức năm 1998.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các nước từ Thái Lan đến Malaysia đều không thể bảo vệ nội tệ đã neo vào USD. Hậu quả là baht Thái mất nửa giá trị chỉ trong 6 tháng. Người dân Hàn Quốc thì xếp hàng dài trên đường để quyên góp trang sức vàng, giúp Chính phủ lấp đầy kho dự trữ ngoại hối khi nội tệ lao dốc.
Chính sách của FED cũng tương tự 16 năm trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006, làm tăng khả năng vốn ào ạt rút khỏi các nước đang phát triển. Ngân hàng thế giới (WB) năm ngoái ước tính lượng vốn tư nhân đổ vào các nước đang phát triển có thể giảm 50% nếu lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài tăng 1%.
Các nước có thâm hụt vãng lai lớn, như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi hay Brazil cũng sẽ bị ảnh hưởng, theo Credit Agricole. Các quốc gia như Malaysia - với đầu tư nước ngoài chiếm 30% nợ chính phủ cũng sẽ chịu cảnh tương tự. Một loạt đợt tăng lãi suất của FED giữa thập niên 90 đã châm ngòi cho làn sóng tháo chạy khỏi tiền tệ châu Á và khiến Nga vỡ nợ.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có nhiều khác biệt. Các nước đang phát triển cho phép tiền tệ tự do biến động, không còn theo cơ chế tỷ giá cố định như trong cuộc khủng hoảng 1998 nữa. Dù tiền tệ yếu sẽ đẩy lạm phát lên cao, chúng vẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng khi hạ giá hàng xuất khẩu.
Các nước đang phát triển cũng có dự trữ ngoại hối vượt trội so với thời trước, giúp họ đủ khả năng vượt qua biến động trên thị trường tài chính. Nếu tính tổng, các nước mới nổi đang nắm giữ 8.100 tỷ USD, so với chỉ 659 tỷ USD năm 1999, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Bên cạnh đó, thay vì vay USD, các Chính phủ bây giờ phần lớn huy động vốn bằng nội tệ, cho phép họ trả nợ mà không phải lo rút cạn dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài hiện tương đương 26% GDP các nước đang phát triển năm ngoái, giảm mạnh so với 40% năm 1999, IMF cho biết.
Cuối cùng, lãi suất tại các nước đang phát triển tăng cũng chưa thấm tháp gì so với năm 1998. Nga nâng lãi suất cơ bản lên 17% từ hôm qua. Nhưng 16 năm trước, lãi suất ngắn hạn của họ còn vượt quá 100%. Lãi suất tại Brazil hiện là 11,75%, chưa bằng một nửa năm 1998.