Khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc nghiêm trọng đến đâu?
Khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc đang ở mức báo động. Nhiều thành phố tại đây đã bắt đầu phải sử dụng đến nguồn thịt đông lạnh dự trữ vốn chỉ được sử dụng khi xảy ra dịch bệnh.
Ít nhất bốn tỉnh thành với dân số khoảng 130 triệu người đã bắt đầu bán thịt lợn đông lạnh dự trữ trên thị trường nhằm bình ổn giá và tăng nguồn cung. Thịt lợn đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá Trung Quốc.
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm ứng phó với tình trạng khủng hoảng; tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, biện pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề. Dịch tả lợn châu Phi hiện đang tàn phá thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới. Trong vòng một năm, Trung Quốc đã tiêu huỷ hơn 100 triệu con lợn do dịch bệnh hoặc do nông dân không muốn sử dụng lợn chết. Nguồn cung thịt lợn giảm đã đẩy giá thịt tăng lên gần 50% trong thời gian này.
Trước dịp lễ trung thu vừa qua, thành phố Tế Nam, phía đông Trung Quốc, là thành phố tiếp theo tuyên bố mở kho dự trữ thịt lợn đông lạnh. Cuối tháng này, thành phố sẽ xuất ra thêm một đợt thịt nữa nhằm chuẩn bị cho Quốc khánh thứ 70 của Trung Quốc vào ngày 1/10. Tế Nam dự tính sẽ tung ra 1.500 tấn thịt ra thị trường trong tháng tới.
Theo chính quyền địa phương, hai tỉnh Hải Nam và Quảng Đông cũng đã bắt đầu bán ra thịt lợn dự trữ. Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, cũng chuẩn bị xuất thịt dự trữ.
Nguồn cung thịt lợn khẩn cấp
Nguồn thịt lợn dự trữ chiến lược của Trung Quốc được thành lập vào những năm 1970 nhằm ứng phó với những tình huống khẩn cấp và bình ổn giá khi cần. Ngoài lượng thịt lợn được bảo quản trong kho lạnh, chính quyền Trung Quốc còn dự trữ lợn hơi nhằm cung cấp cho nông dân.
Trung Quốc không thường xuyên công bố số liệu dự trữ thịt lợn. Tuy nhiên, Chen Wen, chuyên gia phân tích tại Wanlian Securities, dự tính sản lượng dự trữ có thể lên tới hàng trăm hoặc hàng ngàn tấn.
Dù nguồn cung thịt lợn tại nhiều địa phương đang dần cạn kiệt, nhưng Trung Quốc vẫn chưa phải sử dụng tới nguồn thịt dự trữ trung ương trong những tháng gần đây. Khi vẫn chưa cần sử dụng tới lượng thịt này, thì Trung Quốc vẫn chưa "rơi" vào tình trạng thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, chính phủ có lẽ sẽ tiến hành kế hoạch xuất kho thịt lợn dự trữ trong những tháng tới.
Lần chính phủ quốc gia xuất kho thịt dự trữ trung ương gần đây nhất là vào tháng một với 10.000 tấn vào dịp tết. Đây là lễ hội quan trọng nhất tại đất nước này.
"Ăn ít thịt lợn hơn"
Xuất kho thịt lợn dự trữ không phải là biện pháp ứng phó với khủng hoảng thịt lợn của Trung Quốc.
Nhiều quan chức đã hỗ trợ khoảng 3,2 tỉ NDT cho các gia đình thu nhập thấp, giúp họ có đủ khả năng mua thịt với mức giá hiện tại.
Chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu các chính quyền địa phương đầu tư công nghệ thụ tinh nhân tạo nhằm khuyến khích nông dân và các nhà sản xuất nhân giống lợn hơi. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng dự định tăng trợ cấp, hỗ trợ vay vốn và bảo hiểm đối với các đơn vị nuôi lợn toàn quốc.
Nhiều cơ quan truyền thông nhà nước còn thúc giục người dần giảm lượng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày. Life Times do Nhật báo Nhân dân điều hành đã kêu gọi người dân giảm ăn thịt lợn trên trang nhất số ra ngày thứ ba. Theo bài báo này, "giảm ăn thịt lợn rất có lợi bởi chúng chứa hàm lượng chất béo và cholesterol cao. Ăn quá nhiều thịt lợn sẽ khiến bạn tăng cân."
Dù vậy, nhiều chuyên gia phân tích vẫn cho rằng những nỗ lực trên là chưa đủ để giải quyết vấn đề.
Theo Chen, "tình trạng thiếu hụt thịt lợn sẽ diễn biến xấu dần trong năm nay, nhưng chính phủ vẫn chưa có những biện pháp hiệu quả trước mắt để ứng phó với tình trạng này."
Chen dự tính Trung Quốc sẽ thiếu 10,8 triệu tấn thịt trong năm nay. Nguồn thịt dự trữ không đủ đề bù đắp cho lượng thịt thiếu hụt trên.
Trung Quốc còn phải ứng phó với dịch tả lợn bùng phát tại nhiều quốc gia khác. Hiện nay, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Philippines và Slovakia – hai quốc gia cũng đang "chật vật" với dịch bệnh trên.