Khung pháp lý thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử

Lê Thị Lan - Khoa Cơ bản, Trường Đại học Mở Hà Nội

Những năm qua, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức kinh doanh thương mại ở Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi thì nguy cơ rủi ro trong quá trình giao dịch đòi hỏi cần phải có giải pháp không chỉ về mặt kỹ thuật mà cần một cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn. Bài viết này làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc thúc đẩy có hiệu quả hoạt động thương mại điện tử trên cơ sở khung pháp lý hiện nay. Thông qua khảo sát trực tuyến bằng bảng hỏi qua internet với số lượng 155 quan sát, dựa trên phương pháp nghiên cứu định lượng mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM trên phần mềm SPSS và AMOS 20, kết quả cho thấy, bảo mật dữ liệu cá nhân có ảnh hưởng đến thúc đẩy thương mại điện tử và cần có một hệ thống pháp luật thương mại điện tử đồng bộ.

Đặt vấn đề

Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thương mại điện tử (TMĐT) (hay thương mại trực tuyến) bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng internet.

Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Luật TMĐT ở châu Âu và Hoa Kỳ đã ra đời từ sớm. Luật đã kết hợp hiệu quả giữa các quy định, tác nhân nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực TMĐT, dựa trên cơ sở quyền riêng tư. Luật làm rõ các liên quan đến giao dịch thương mại, hàng hoá hoặc dịch vụ bao gồm việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến và giao hàng điện tử. Các giao dịch có thể hoàn toàn mang tính thương mại, giữa các doanh nghiệp như trao đổi dữ liệu điện tử hoặc có thể liên quan đến khách hàng, giao dịch với các doanh nghiệp (Baumer, Poindexter, 2001; Chen 2004; Spindler và Börner, 2013).

Ở Trung Quốc, Luật TMĐT được ban hành vào ngày 31/8/2018. Nhờ có khung pháp lý hoàn chỉnh, các văn bản dưới luật. Trong 5 năm qua, giá trị thương mại xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Trong năm 5, tỷ trọng trong giá trị ngoại thương cũng tăng từ dưới 1% lên 5%. Thị trường thương mại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 11,6% từ năm 2023 đến năm 2027 và sẽ đạt 23,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2027.

Ở Việt Nam, mặc dù trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, ngành TMĐT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ hàng năm trên 25%, quy mô đạt trên 25 tỷ USD. TMĐT thúc đẩy và hỗ trợ sâu vào các ngành như môi trường, y tế và cả giáo dục. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của doanh nghiệp TMĐT, các yếu tố không bền vững là khoảng cách số, nguồn nhân lực và môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa đáp ứng được. Đồng thời, dưới góc độ của nhà quản lý chính sách cho thấy, khung pháp lý và nguồn lực dành cho hoạt động pháp lý TMĐT còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, việc phát triển nhanh chóng của TMĐT đã làm khả năng của nhà lập pháp trong việc thực thi thu thuế hàng hoá theo điểm đến. Điều này dẫn đến các mức thuế suất hiệu quả khác nhau tuỳ thuộc vào cách thức mua hàng hoá và dịch vụ, cũng như các đặc điểm của sản phẩm và người bán. Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thuế TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với loại hình quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội (như thông qua Google, Facebook, Zalo...). Điển hình như, các công ty có địa điểm đăng ký ở nước ngoài như: Agoda, Traveloka, Booking, Expedia… khiến cho cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý và xác định rõ đối tượng. Bên cạnh đó, một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, hơn nữa còn có hoạt động TMĐT đang trong tình trạng tranh cãi thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình để đánh thuế hoạt động kinh doanh, trong khi tùy theo loại hình hoạt động mà cơ quan quản lý thuế áp dụng các mức thuế khác nhau.

Cơ sở lý thuyết

Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích để làm rõ các yếu tố ảnh hưởng của hoạt động pháp lý cũng như các yếu tố khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT, các nghiên cứu có thể kể đến như: Gibbs và Kraemer, 2004; Khotimah và Chairunnisa, 2016; Huang và Li, 2019; Santoso, 2022…

Gibbs và Kraemer (2004) đã xem xét mô hình tích hợp về phạm vi sử dụng TMĐT, dựa trên dữ liệu khảo sts mở rộng từ 2.139 doanh nghiệp từ 10 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố dự báo quan trọng nhất về phạm vi sử dụng là các nguồn lực công nghệ, lợi ích chiến lược kinh doanh, khả năng tài chính, áp lực bên ngoài, sự thúc đẩy chính phủ và đặc biệt là rào cản pháp lý. Các công ty ở Hoa Kỳ có phạm vi hoạt động TMĐT cao hơn đáng kể so với các công ty từ các quốc gia khác.

Các nhà nghiên cứu Calliess (2007), Khotimah và Chairunnisa (2016), Ullrich (2019), Huang và Li (2019), Santoso (2022) cũng cho rằng, Luật TMĐT có nguyên tắc và mang tính tư vấn - không thể phân biệt giới hạn trách nhiệm của Cơ quan sáng chế châu Âu (EPO) đối với hành vi vi phạm bằng sáng chế của bên thứ ba bằng cách phân biệt bằng sáng chế với các quyền sở hữu trí tuệ. Sau khi xem xét các quy định về nghĩa vụ chăm sóc sở hữu trí tuệ và chung của EPO. Luật TMĐT (ban hành năm 31/8/2018) hiện nay ở Trung Quốc vẫn còn một số vấn đề chưa cụ thể. Do đó, để thực hiện Luật TMĐT, cần sớm xây dựng giải thích pháp lý và các quy tắc chi tiết để thực hiện. Các giải pháp tiềm năng được mô tả trong phần kết luận tại các nghiên cứu của Gibbs và Kraemer, 2004; Calliess, 2007; Khotimah và Chairunnisa, 2016; Ullrich, 2019; Huang và Li, 2019; Santoso, 2022.

Trên cơ sở các nghiên cứu trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H1: Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) có tác động thúc đẩy có hiệu quả hoạt động TMĐT.

H2: Luật TMĐT hoàn chỉnh (LUAT), đồng bộ có tác động thúc đẩy có hiệu quả hoạt động TMĐT.

H3: Tổ chức hoạt động truyền thông pháp luật TMĐT (HDTT) đầy đủ có tác động thúc đẩy có hiệu quả hoạt động TMĐT.

H4: Tổ chức bộ máy (TCBM) hỗ trợ pháp luật TMĐT có tác động thúc đẩy có hiệu quả hoạt động TMĐT.

Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM để làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc thúc đẩy có hiệu quả hoạt động TMĐT trên cơ sở khung pháp lý hiện nay, được thực hiện trên phần mềm SPSS 20 và AMOS 20 (Arbuckle, 2011).

Mô hình nghiên cứu có dạng:

TMDT = f (DLCN, LUAT, HDTT, TCBM )

Tất cả các biến trong mô hình được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ. Mẫu nghiên cứu được tác giả thu thập trực tuyến qua internet thông qua bản hỏi được thiết kế sẵn trong giai đoạn từ tháng 01/2024 đến tháng 06/2024 với số lượng 155 quan sát. Dữ liệu được làm sạch trước khi đưa vào chạy mô hình bằng phần mềm SPSS 20 và AMOS 20.

Kết quả nghiên cứu

Hình 1 cho thấy, giá trị Chi bình phương điều chỉnh theo bậc tự do (Cmin/df) là 4,33 nằm trong giá trị nhỏ hoặc bằng 5, giá trị Tuker-Levis Index là 0,921 > 0,9, giá trị Comparative Fit Index là 0,932 > 0,9, Normal Fit Index 0,925 > 0,9, giá trị Root Mean Square Error Approximation là 0,021 < 0,05. Do đó có thể kết luận, mô hình tích hợp phù hợp với dữ liệu thực tế do đáp ứng được các tiêu chí kiểm định.

Bảng 1 với mức ý nghĩa của các hệ số ước lượng: p-value ≤ 0,05; mức tin cậy ≤ 95%, các nhân tố đưa vào mô hình có ý nghĩa thống kê và có các giả thuyết được chấp nhận.

Bảng 1 cho thấy, các biến Bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN) và Luật TMĐT hoàn chỉnh (LUAT) có tác động thúc đẩy thuận chiều có hiệu quả hoạt động TMĐT với ý nghĩa thống kê P-value ≤ 0,05. Trong khi đó, Tổ chức hoạt động truyền thông pháp luật TMĐT (HDTT) và Tổ chức bộ máy (TCBM) hỗ trợ pháp luật TMĐT không có ý nghĩa thống kê do P-value > 0,05.

H&igrave;nh 1: Kết quả ước lượng hồi quy m&ocirc; h&igrave;nh Nguồn: T&aacute;c giả thống k&ecirc; tr&ecirc;n phần mềm AMOS 20
Hình 1: Kết quả ước lượng hồi quy mô hình
Nguồn: Tác giả thống kê trên phần mềm AMOS 20

Bảng 1: Kết quả kiểm định giả thuyết

Giả thuyết

Tác động

Estimate

S.E.

C.R.

P

Label

H1

TMDT

<---

DLCN

0,181

0,086

2,107

0,035

Chấp nhận

H2

TMDT

<---

LUAT

1,999

0,226

8,827

***

Chấp nhận

H3

TMDT

<---

HDTT

0,005

0,038

0,119

0,905

Bác bỏ

H4

TMDT

<---

TCBM

-0,065

0,049

-1,307

0,191

Bác bỏ

Nguồn: Tác giả thống kê trên phần mềm AMOS 20

Kết quả kiểm định này là phù hợp ở Việt Nam bởi lẽ hoạt động TMĐT ở Việt Nam còn là một ngành mới mẻ, mặc dù Chính phủ đã ban hành một số điều luật mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể theo quy định mới tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/ NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, thông tin về hàng hóa, dịch vụ đối với website TMĐT bán hàng phải được người cung cấp chi tiết.

Hàm ý chính sách

Trên cơ sở kết quả kiểm định mô hình hồi quy PLS-SEM, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT dưới góc độ pháp lý như sau:

Thứ nhất, về cơ sở dữ liệu cá nhân. Thực trạng hiện nay cho thấy Chính phủ cần phải có nguồn nhân lực công chức giỏi về kỹ thuật và dữ liệu mở, dữ liệu lớn, bảo vệ an toàn dữ liệu và định dạng dữ liệu dân cư. Điều này tác động đến chất lượng dữ liệu mở trên phương diện tính đầy đủ, bảo mật và cập nhật dựa trên sự phân cấp phân quyền.

Thứ hai, sớm xây dựng Luật TMĐT và Luật bảo vệ người tiêu dùng. Theo kết quả khảo sát, người kinh doanh lo ngại vấn đề rủi ro chính sách, lo ngại rằng sự phát triển TMĐT hiện nay vẫn còn ở giai đoạn đầu và sự không chắc chắn của các quy định luật pháp. Họ mong muốn có sự hỗ trợ về tài chính, giảm thuế, trợ cấp nền tảng, giảm phí lưu kho và hỗ trợ chính sách khác. Chính vì vậy, vấn đề cần có một hệ thống khung pháp luật về TMĐT là cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2015), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về Thương mại điện tử;
  2. Hiệp hội thương mại điện tử (2024), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam;
  3. Calliess, G.-P. (2007), Transnational consumer law: Co-regulation of B2C-E-Commerce. Responsible business: self-governance in transnational economic transaction, Olaf Dilling, Martin Herberg & Gerd Winter, eds, 225-258;
  4. Chen, C. (2004), United States and European Union approaches to internet jurisdiction and their impact on e-commerce. U. Pa. J. Int'l Econ. L., 25, 423;
  5. Arbuckle, J. L. (2011), IBM SPSS Amos 20 user’s guide. Amos development corporation, SPSS Inc, 226-229;
  6. Gibbs, J. L., Kraemer, K. L. (2004), A cross‐country investigation of the determinants of scope of e‐commerce use: an institutional approach. Electronic markets, 14(2), 124-137;
  7. Baumer, D., Poindexter, J. C. (2001), Cyberlaw and E-commerce: McGraw-Hill Higher Education;
  8. Huang, W., Li, X. (2019), The E-commerce Law of the People's Republic of China: E-commerce platform operators liability for third-party patent infringement. Computer Law & Security Review, 35(6), 105347;
  9. Khotimah, C. A., Chairunnisa, J. C. (2016), Perlindungan hukum bagi konsumen dalam transaksi jual beli-online (e-commerce). Business Law Review, 1, 14-20.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2024