Khuyến công Kiên Giang: Đề án điểm nỗ lực đưa nước mắm Phú Quốc vươn xa

Yến Tâm

Hoạt động khuyến công thời gian qua tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến nước mắm tập trung phát triển ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực quản lý, góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Sự phát triển của ngành nước mắm góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Sự phát triển của ngành nước mắm góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Lợi thế lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu

Với vị trí địa lý tiếp giáp với vịnh Thái Lan về phía Tây, tiếp giáp với vương quốc Campuchia ở phía Bắc, nằm trên hành lang Kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, tỉnh Kiên Giang có một lợi thế gần như tuyệt đối so với nhiều tỉnh, thành phố trong vùng để thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. So với các tỉnh lân cận, tỉnh Kiêng Giang có lợi thế rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đến các nước khu vực.

Tỉnh có thềm lục địa và lãnh hải lớn, với ngư trường rộng nên có tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế biển-đảo trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là du lịch biển (với điểm nhấn Phú Quốc), khu kinh tế và khu đô thị ven biển.

Thiên nhiên đã tạo ra cho Phú Quốc một nguồn lợi rất lớn từ Cá cơm. Ðiểm khác biệt của nước mắm Phú Quốc là cá cơm được trộn tươi trên tàu. Mùa đánh bắt chủ yếu trong năm là từ tháng 7 đến tháng 12. Sản lượng khai thác cá cơm của tỉnh Kiên Giang đạt 18.000 tấn - 20.000 tấn/năm, tập trung phần lớn ở huyện Phú Quốc; trong đó, khoảng 70 - 80% làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, số còn lại chế biến khô cá cơm.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có khoảng 75 cơ sở sản xuất chế biến nước mắm, trong đó tập trung nhiều nhất và phân bố chủ yếu ở phường Dương Đông, An Thới và các xã thuộc TP. Phú Quốc với khoảng 56 doanh nghiệp tham gia chế biến nước mắm với công suất khoảng trên 15 triệu lít nước mắm/năm, số còn lại nằm rải rác trên địa bàn TP. Rạch Giá và huyện Kiên Hải.

Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đăng ký chỉ dẫn địa lý được khối Liên minh châu Âu công nhận từ tháng 12/2012, là sản phẩm nổi tiếng của Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Hàng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Không chỉ vậy, nước mắm Phú Quốc đã mang văn hóa của người Việt đi khắp nơi, từ châu Âu đến châu Mỹ, sản phẩm nước mắm đã trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam trên toàn thế giới.

Hoạt động khuyến công thời gian qua tại Tỉnh đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến nước mắm tập trung vào một số nội dung như: ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực quản lý, tham gia hội chợ quảng bá thương hiệu sản phẩm,hỗ trợ cơ sở đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến nước mắm, đặc biệt là các cơ sở chế biến sâu (thành phẩm) với quy mô còn nhỏ, lẻ sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới góp phần phát triển ngành chế biến nước mắm bền vững. Sự phát triển của ngành nước mắm góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp– tiểu thủ công nghiệp của địa phương.  

Đề án điểm đã tạo điều kiện  thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc lĩnh vực chế biến nước mắm mở rộng đầu tư.
Đề án điểm đã tạo điều kiện  thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc lĩnh vực chế biến nước mắm mở rộng đầu tư.

Nâng cao hiệu quả phát triển đề án khuyến công quốc gia điểm

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND Tỉnh, Sở Công Thương, Cục Công Thương địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang (Trung tâm) xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong công tác triển khai thực hiện đề án điểm một cách hiệu quả.

Năm 2021, Sở Công Thương Tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm tổ chức khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất chế biến nước mắm, xác định nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở côngnghiệp nông thôn, qua đó Trung tâm xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm về “Hỗ trợ cơ sở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm giai đoạn 2022-2024” trình Sở Công Thương thẩm định, trình Cục Công Thương, Bộ Công Thương phê duyệt.

Qua 2 năm (2022 và 2023) triển khai thực hiện với 4 nội dung chính trong đó  năm 2024 đang đợi cấp kinh phí để thực hiện gồm các nội dung: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nước mắm” cho 4 cơ sở côngnghiệp nông thôn; Hỗ trợ sữa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường” cho 7 cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm” cho 1 cơ sở công nghiệp nông thôn; Đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đề án điểm được triển khai đã tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc lĩnh vực chế biến nước mắm đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm; giảm phát thải ô nhiễm môi trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực xuất khẩu; gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp đóng góp vào quá trình tăng thu ngân sách cho địa phương.

Các đề án đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thực hiện đạt mục tiêu theo lộ trình của đề án phát triển bền vững.

Song song với đó, đề án đã góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở chế biến nước mắmnhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Có thể thấy, các đề án điểm được xây dựng trên lĩnh vực thế mạnh và các tác động lớn tới sức phát triển kinh tế của Tỉnh. Tuy nhiên, để có sự đồng bộ trong khâu xây dựng các đề án điểm, cần tháo gỡ những nút thắt mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Theo đó, các cơ sở công nghiệp nông thônchế biến nước mắm có quy mô nhỏ và vừa, sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh vì thiếu các điều kiện cần thiết như: vốn, công nghê, kỹ năng, quản lý, tiếp cận thị trường…

Vì vậy, một số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã không triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra, những nguyên nhân như rào cản kỹ thuật trong thương mại, lao động việc làm trong ngành khai thác đánh bắt hải sản hiện nay có xu hướng giảm. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu cá cơm ngày càng suy giảm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Để có thể khắc phục những vấn đề này, các cơ sở công nghiệp nông thôn cần nâng cao vấn đề xử lý ô nhiễm mỗi trường trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp quyết liệt từ Sở Công Thương, các ban ngành trong quá trình triển khai các đề án trọng điểm như trình tự thủ tục, hồ sơ, các bước tiến hành,  tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đề xuất với Cục Công Thương địa phương và Bộ Công Thương các phương án: Bổ sung kinh phí khuyến công hàng năm theo như kế hoạch đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong Tỉnh đặc biệt là kinh phí trong năm 2024; Cục tiếp tục phê duyệt đề án “Hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản giai đoạn năm 2025 -2027” để tạo sức bật cho khuyến công Tỉnh phát triển sâu rộng và đồng bộ.